Theo đó, cơ sở kinh doanh thương mại được gọi là siêu thị và phân hạng siêu thị nếu có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, cách thức tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản của 1 trong 3 hạng siêu thị hoặc tiêu chí siêu thị mini.
Cụ thể, với siêu thị hạng I là siêu thị kinh doanh tổng hợp phải có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hóa; có diện tích kinh doanh từ 3.500m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên.
Cùng đó, siêu thị hạng II là siêu thị kinh doanh tổng hợp có diện tích kinh doanh từ 2.000m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 10.000 tên hàng trở lên.
Siêu thị hạng III là siêu thị kinh doanh tổng hợp có diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên.
Ngoài ra, siêu thị mini có diện tích kinh doanh từ 80 m2 trở lên; danh mục hàng hóa kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên.
Dự thảo cũng nêu rõ, cơ sở kinh doanh thương mại được gọi là trung tâm thương mại và phân hạng trung tâm thương mại, nếu có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản của 1 trong 3 hạng trung tâm thương mại.
Đơn cử như Trung tâm thương mại hạng I có vị trí giao thông thuận tiện cho việc tiếp cận, mua bán hàng hóa, diện tích kinh doanh từ 50.000 m2 trở lên, các công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.
Trung tâm thương mại hạng II có diện tích kinh doanh từ 30.000 m2 trở lên và có nơi trông giữ xe phù hợp với quy mô kinh doanh của trung tâm thương mại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.
Ngoài ra, Trung tâm thương mại hạng III có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên và có nơi trông giữ xe phù hợp với quy mô kinh doanh của trung tâm thương mại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.
Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của thương nhân kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại phải có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật. Các loại hình hạ tầng thương mại có thể là một doanh nghiệp độc lập hoặc là đơn vị trực thuộc của một tổ chức kinh tế có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại.
Dự thảo cũng chỉ ra rằng, thương nhân kinh doanh loại hình hạ tầng thương mại phải tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của loại hình hạ tầng thương mại; định kỳ 1 năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về công thương.
Các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet phải có nội quy hoạt động, gồm: quyền hạn và nghĩa vụ của thương nhân tham gia kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet.
Ngoài ra, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của khách hàng phải bảo vệ trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường trong siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet.
Thông tư này quy định về tiêu chí phân loại loại và quản lý hoạt động một số loại hình hạ tầng thương mại gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Đặc biệt, thông tư này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet và các tổ chức, cá nhân có liên quan.