Cũng theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, vị trí mà doanh nghiệp đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại góc phía Đông Bắc công viên Cầu Giấy (ô quy hoạch ký hiệu K6-3/CXĐT1 trong quy hoạch phân khu H2-2).
Tổng diện tích đề xuất nghiên cứu khoảng 14.500m2, dự kiến xây dựng 3 tầng hầm gồm: tầng hầm 1 bố trí chức năng thương mại, dịch vụ, diện tích sàn khoảng 12.000m2; tầng hầm 2 và 3 bố trí đỗ xe, diện tích sàn khoảng 29.000m2 (dự kiến khoảng 820 xe); xây dựng công trình trên mặt bằng (làm nhà điều hành, bảo vệ, thông gió, thoát hiểm …) với mật độ tối đa 5%, chiều cao dưới 9m tại ô đất.
Theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-2, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6631/QĐ-UBND ngày 2/12/2015 thì ô đất này nằm trong ô quy hoạch, có chức năng sử dụng đất là đất cây xanh đô thị; trong bán kính 500m tính từ vị trí khu đất đề xuất nghiên cứu có bố trí 3 bãi đỗ xe công cộng tập trung với tổng diện khoảng 4.000m2, công suất đỗ xe thấp (khoảng 160 xe), phục vụ cho nhu cầu đỗ xe của khu đô thị mới Dịch Vọng. Còn đất hỗn hợp, đất ở đô thị, làng xóm hiện trạng còn lại trong khu vực không bố trí bãi đỗ xe công cộng.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội cho biết thêm, theo thuyết minh và quy định quản lý kèm theo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 đã được UBND thành phố duyệt, trong các khu đất cây xanh đô thị bao gồm các công trình thương mại, dịch vụ (quy mô nhỏ) được khuyến khích phát triển bãi đỗ xe ngầm và trên đó khai thác thành công viên cây xanh … Như vậy, nội dung đề xuất nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại một phần khu đất công viên Cầu Giấy là phù hợp với định hướng tại đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H2-2.
Liên quan đến nội dung trên, tại Thông báo số 1056/TB-UBND ngày 24/10/2018 kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã chỉ rõ: nghiên cứu lối lên xuống tầng hầm bố trí vào phía trong công viên, không đấu nối trực tiếp vào các tuyến đường giao thông xung quanh công viên Cầu Giấy. Phần mặt trên của hầm đỗ xe phải đảm bảo lớp đất hữu cơ đủ dày để cây xanh phát triển bền vững (bao gồm cả cây có đường kính lớn); xác định rõ phương án thi công, hoàn trả cây xanh, ít ảnh hưởng đến hoạt động của công viên và người dân xung quanh công viên.
Mặc dù vậy, một số người dân xung quanh công viên Cầu Giấy lại tỏ thái độ không đồng tình với đề xuất trên của doanh nghiệp. Anh Nguyễn Thành Trung, người sống gần công viên trên bày tỏ lo ngại, công viên Cầu Giấy như một "lá phổi" xanh của Quận và là địa điểm hiếm hoi để người dân vui chơi, thư giãn. Bây giờ xây bãi đỗ xe rộng như vậy thì vừa khói bụi vừa nguy hiểm cho trẻ nhỏ, còn đâu không gian xanh của công viên.
Có ý kiến khác cho rằng, việc xây dựng bãi đỗ xe nếu cần thiết thì nên chọn những dự án đất công khác trên địa bàn đang sử dụng sai mục đích, thay vì "cắt" không gian vui chơi của người dân.
Nhìn nhận dưới góc độ kiến trúc, ông Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội chia sẻ, quanh khu vực dự kiến đặt làm bãi đỗ xe có mật độ dân số rất lớn và quanh đó đã có nhiều bãi đỗ xe, vậy lý do gì phải thêm khói bụi của một bãi đỗ xe trong công viên.
Liên quan đến thông tin trên, lãnh đạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hiện phía Quận đang giao phường Dịch Vọng và phòng Quản lý đô thị Quận lấy ý kiến của người dân trên địa bàn theo quy định. Còn quyết định phê duyệt đầu tư hay không thuộc cơ quan chuyên ngành của thành phố.
Về tính cấp thiết của việc xây dựng bãi đỗ xe, lãnh đạo quận Cầu Giấy nhấn mạnh, trên địa bàn đang thiếu nghiêm trọng bãi đỗ xe cho người dân nên việc xây dựng bãi đỗ xe phù hợp với quy hoạch là điều cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân cũng như hạn chế tình trạng đỗ xe trái phép trên lòng đường, bãi đất trống, ảnh hưởng đến mỹ quan và trật tự đô thị.
Công viên Cầu Giấy được xây dựng vào năm 2010 với diện tích 10 ha. Địa điểm này luôn thu hút nhiều người dân và các gia đình tới vui chơi hàng ngày.
Trước đây, một doanh nghiệp cũng đã từng đề xuất với các ngành chức năng của thành phố Hà Nội về việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Thống Nhất phía đường Lê Duẩn, nhưng vấp phải sự phản đối của người dân cũng như các chuyên gia với lý do phá hỏng cảnh quan và có nguy cơ biến tướng thành các công trình thương mại khác.