Tiêu chết hàng loạt, nông dân lo lắng
Vườn tiêu của gia đình anh La Văn Thành đã chết gần 1.000 gốc. |
Anh La Văn Thành, ngụ xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông có hơn 1.500 trụ tiêu được trồng từ năm 2012. Mấy năm nay, vườn tiêu của anh rất xanh tốt, đồng đều, hứa hẹn những vụ mùa bội thu.
Anh Thành kể, theo kế hoạch, năm nay là năm đầu tiên vườn tiêu bước vào thời kỳ kinh doanh, tức là cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ cuối mùa mưa năm 2016, hàng loạt gốc tiêu trong vườn bỗng dưng bị vàng lá, héo rũ rồi chết hàng loạt. Trong vòng hơn 3 tháng, gần 1.000 gốc tiêu đã chết trụi. Mặc dù gia đình anh đã sử dụng nhiều loại thuốc phun cây nhưng không hiệu quả.
Anh Thành cho biết để trồng được 1.500 trụ tiêu, vợ chồng anh không chỉ dốc hết công sức, vốn liếng mà còn vay mượn hàng trăm triệu đồng mới đủ để đầu tư. Không ngờ tới lúc tưởng sắp trả được nợ thì tiêu bắt đầu… chết.
Số tiêu còn lại, khoảng 500 trụ, cũng bị suy giảm năng suất. Hiện giờ, để trả nợ anh chỉ còn cách bán bớt đất. Còn phương hướng xử lý số tiêu đã chết thì chưa biết thế nào vì chưa có vốn, cũng như tâm trí làm việc.
Cũng theo anh Thành, cho tới giờ, sau hơn nhiều tháng xảy ra sự việc, anh vẫn chưa biết nguyên nhân do đâu vườn tiêu lại chết hàng loạt. Điều này càng khiến gia đình anh, và một số hộ dân lân cận hoang mang, lo lắng.
Theo Hội nông dân xã Quảng Sơn, toàn xã hiện có hơn 80ha tiêu bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là tình trạng chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Hiện UBND xã Quảng Sơn đang tiến hành thống kê toàn diện về vấn đề này để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền vào cuộc xử lý, hỗ trợ nông dân.
Tương tự như vườn tiêu của anh Thành, vườn tiêu hơn 500 trụ của gia đình anh Võ Minh Bình tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cũng bị nhiễm bệnh và chết khô dần từ cuối mùa mưa năm ngoái đến nay. Anh Bình cho biết mặc dù tiêu chết gần hết đã mấy tháng nhưng tới giờ anh vẫn chưa biết nguyên nhân. Anh nghi ngờ vườn tiêu bị nhiễm bệnh do nước tràn qua giữa mùa mưa, nhưng cũng không biết cụ thể thế nào.
Cũng theo anh Bình, thấy tiêu vàng lá, héo dây anh vội ra đại lý thuốc bảo vệ thực vật nhờ họ vào kiểm tra, đo độ PH của đất để bón thuốc và phân bón phù hợp để chữa trị nhưng không hiệu quả, tiêu vẫn tiếp tục chết. Anh Bình mong muốn cơ quan chức năng sớm xác định rõ nguyên nhân tiêu chết cũng như có các khuyến cáo phù hợp, hạn chế rủi ro, thiệt hại cho nông dân.
Hiện nay, hàng trăm vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng đang xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt, khiến các hộ dân lao đao, điêu đứng. Vấn đề tiêu chết do dịch bệnh đang trở thành đề tài nóng, không chỉ đối với nông dân trồng tiêu mà còn đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp. Tình trạng này xảy ra khi giá tiêu chỉ còn khoảng 95.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây càng khiến người dân gặp nhiều khó khăn hơn.
Nông dân cần cẩn trọng
Tình trạng tiêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân. |
Ông Lê Văn Điệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cho rằng nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tiêu chết hàng loạt là do người dân lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học khiến cây tiêu bị “rối loạn”, “ngộ độc” dẫn tới hiện tượng chết dần chết mòn. Ông Điệp khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để giúp cây tiêu phát triển ổn định, bền vững hơn.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 500ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Hiện nay, do thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu có khả năng sẽ tăng mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Nông, chia sẻ có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu chết trên địa bàn tỉnh. Thứ nhất là nông dân trồng tiêu tại một số khu vực chưa phù hợp về đất đai, thổ nhưỡng; thứ hai là do chất lượng cây giống chưa đảm bảo và cuối cùng là quy trình canh tác chưa đảm bảo an toàn, từ việc xử lý đất đai để phòng trừ bệnh hại cho đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp về chủng loại, liều lượng.
Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, trước mắt Sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung điều tra, thống kê diện tích tiêu chết và xác định nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp nông dân hạn chế thiệt hại, nhất là đối với những diện tích mới nhiễm bệnh.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp đang xúc tiến, đẩy nhanh việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng tiêu để tăng cường sự kết nối giữa nông dân trồng tiêu với các nhà khoa học, các chuyên gia kỹ thuật, doanh nghiệp… tạo thuận lợi hơn cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm.