Tới dự diễn đàn có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh uỷ Hòa Bình Ngô Văn Tuấn; cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương, Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, cùng 28 đoàn đại biểu của 24 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Diễn đàn thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì tổ chức trong 12 năm qua. Đây là năm thứ 13 Diễn đàn được tổ chức kế thừa và phát triển những thành quả đạt được qua các diễn đàn trước đây, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) phát triển.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ đã triển khai 3 chương trình lớn nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phát triển còn chậm về số lượng và chất lượng, gặp khó khăn trong liên kết, kết nối với các thị trường nước ngoài. Vì vậy, thông qua diễn đàn lần này, các đại biểu cần thảo luận và đề ra được giải pháp nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh bày tỏ mong muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, tập trung đầu tư để tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu mạnh. UBND tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung triển khai các biện pháp chỉ đạo, điều hành tạo điều kiện, môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có một số khuyến nghị đó là: Tiếp tục hợp tác với các cấp, các ngành của tỉnh trong quá trình hoạt động và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, đặc biệt về chính sách thuế, tiền lương, Bảo hiềm xã hội. Đẩy mạnh đầu tư dự án theo tiến độ cam kết; tập trung sản xuất kinh doanh, từng bước đổi mới công nghệ để tạo năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao; đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu...
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, năm 2020 là một năm mà nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đại dịch COVID-19 cũng khiến các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa do sức mua giảm, kinh doanh không có lợi nhuận.
Trong 9 tháng năm 2020, đã ghi nhận hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động. Đây là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại diễn đàn các đại biểu doanh nghiệp cũng thảo luận về những khó khăn, rào cản trong việc đưa Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống. Kịp thời đưa ra các kiến nghị để sớm giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong nước, phát huy tiềm năng, lợi thế, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo mối liên kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xúc tiến đầu tư để phát triển kinh tế địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thành Biên cũng đưa ra đề xuất, doanh nghiệp các tỉnh khác nghiên cứu tiềm năng lợi thế sẵn có của tỉnh Hoà Bình, hợp tác, đầu tư, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Biên chia sẻ ý kiến: "Con đường duy nhất Chính phủ cứu trợ doanh nghiệp lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian phục hồi, chính quyền các cấp tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển, hiện tại, những gói hỗ trợ vẫn còn xa tầm với của người lao động gặp khó khăn, những khoản giãn nợ hay giãn thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa đến được với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ".
Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận thiết thực, những kiến nghị, đề xuất liên quan đến lĩnh vực hoạt động mỗi doanh nghiệp và chủ đề Diễn đàn.
Các ý kiến sẽ được Trung ương Hội tổng hợp và báo cáo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan có thêm cơ sở hoạch định Chính sách, định hướng hoạt động và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng về hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch gây ra. Các đại biểu đã thông qua nội dung và ký giao kết Nghị quyết của Diễn đàn lần thứ XIII.