Thưa ông, DNNVV là đối tượng chịu tác động lớn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Bộ Công Thương đã có những hỗ trợ như thế nào đối với cộng đồng DN này, thưa Bộ trưởng?
Với sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời, đồng bộ và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chưa có hiệp định thương mại tự do nào mà Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy. Chương trình hành động của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, phục vụ cho việc triển khai ngay từ trước khi hiệp định được phê chuẩn tại Quốc hội của EU cũng như Quốc hội của Việt Nam.
Chính vì vậy, Việt Nam chứng kiến hàng loạt hoạt động phổ biến, tuyên truyền ngay khi hiệp định được ký kết. Từ đó, tranh thủ thời gian, tạo sự chủ động trong cách tiếp cận chung đối với cộng đồng DN và người dân, các cơ quan quản lý. Như vậy có thể nói, nhận biết của xã hội nói chung và đặc biệt là của DN đã được đặt ở mức cao hơn nhiều so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà chúng ta đã có và thực hiện.
Phần lớn DN Việt Nam là DNNVV, với quy mô 97%. Những DN này chịu tác động nhiều nhất và cũng thụ hưởng nhiều nhất từ các hiệp định. Nhưng nếu chúng ta không có cách tiếp cận kịp thời, phù hợp, thì cộng đồng DN này sẽ chịu nhiều thiệt hại. Chính vì vậy, đây là mục tiêu được ưu tiên trong chương trình phổ biến kiến thức pháp luật, cũng như tập huấn.
Vì vậy, cộng đồng DNNVV Việt Nam với tiếng nói đại diện của Hiệp hội DNNVV Việt Nam được lựa chọn xây dựng chương trình tập huấn từ sớm. Hội nghị Hỗ trợ DNNVV tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA hôm nay được trực tuyến 62/63 tỉnh, thành, cho thấy sức hút và hiệu quả của hoạt động tuyên truyền. Hội nghị không chỉ dừng đánh giá chung ý nghĩa tác động và hiệu quả chung của hiệp định, mà còn phân tích rõ lợi ích và thách thức cho DNNVV.
Chúng ta đặt ra không chỉ đối với DNNVV, mà còn đặt ra vấn đề làm thế nào để Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ và đồng hành DNNVV trong quá trình thực thi. Đặc biệt, áp dụng cơ chế chính sách nào cho DNNVV trong quá trình luật hóa và thực thi cam kết, để cho DNNVV có được những vị thế thuận lợi và phù hợp nhất khi khai thác hiệp định này.
Chúng ta nói nhiều về cơ hội rồi, nhưng nhìn vào thách thức với DNNVV, Bộ trưởng sẽ nhấn mạnh đến điều gì?
Đối với DNNVV thì rõ ràng phải tính đến sự chủ động tương tác từ hai phía, bản thân DN cũng phải chủ động tích cực hơn nữa trong cuộc chơi chung. Trên cơ sở nền tảng luật pháp và khuôn khổ hội nhập Chính phủ đã tạo ra, thì các DN cần nhanh chóng tiếp cận các chương trình từ phổ biến kiến thức pháp luật, phổ biến về các FTA, cho đến những nghiên cứu sâu hơn trong chiến lược phát triển và thâm nhập thị trường, kể cả trong vấn đề liên quan đến xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tổ chức lại các hoạt động sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc cho đến nâng cao năng lực quản trị, trình độ nguồn nhân lực.
Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp để tạo điều kiện nâng cao trình độ nhân lực cả về hội nhập cũng như quản trị DN, DN phải tranh thủ điều kiện này kể cả từ cấp độ Trung ương đến địa phương.
Bộ Công Thương tới đây sẽ tập huấn và đào tạo cho nguồn nhân lực DNNVV kiến thức về thương mại và hội nhập một cách đầy đủ và kịp thời nhất.
Thưa Bộ trưởng, nếu được Quốc hội được thông qua, thì Bộ Công Thương sẽ có những hành động như thế nào để thực thi hiệp định và mang lại lợi ích cho DN?
Trong chương trình hành động của Chính phủ mà Bộ Công Thương làm đơn vị đầu mối chủ trì đã có đầy đủ nội dung về nhiệm vụ và giải pháp. Để thực thi hiệp định này có hiệu quả, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ phương án để các cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp báo cáo Quốc hội, thông qua Nghị quyết của Quốc hội cho phép thực thi ngay những điều khoản quan trọng trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo hiểm...
Bộ Công Thương cũng đã xây dựng cơ chế và có những phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn việc cấp chứng nhận xuất xứ về gạo để cho sản phẩm gạo của Việt Nam có điều kiện tiếp cận thị trường Châu Âu ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, vì gạo là mặt hàng đang có ưu thế và lợi thế lớn khi cắt giảm thuế quan từ 42% xuống mức 0%. Đây là những điều kiện cụ thể để DN và ngành hàng khai thác được ngay.
Bộ cũng sẽ tổ chức ngay chương trình hướng dẫn và tập huấn cho các cơ quan quản lý, nhất là các cấp địa phương để triển khai hiệp định theo tinh thần của các cam kết trong hiệp định, chương trình hành động của Chính phủ và cả trong yêu cầu cụ thể Bộ Công Thương nêu ra cho các địa phương trong thực thi.
Liên quan đến đề xuất của Hiệp hội DNNVV Việt Nam về hỗ trợ nào đó về tín dụng, tài chính, Bộ Công Thương nghĩ sao về kiến nghị này?
Trong các chương trình hỗ trợ DNNVV, Bộ còn phối hợp đối chiếu với Luật DNNVV để có những hỗ trợ cụ thể cho cộng đồng DN của Việt Nam, nhất là DNNVV trong việc thực thi EVFTA.
Sắp tới, Bộ có chương trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước để xem xét đánh giá việc thực thi hiệp định và điều kiện cần thiết, cụ thể hóa luật về DNNVV; đồng thời, đối chiếu với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do, xem xét các cơ chế tín dụng có hiệu quả và phù hợp để hỗ trợ cho DNNVV khi gắn với mục tiêu thực thi hiệp định và khai thác phát triển thị trường này; phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn vấn đề truy suất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, để các DNNVV thực thi nhiệm vụ của mình trong phát triển thị trường...
Về khía cạnh thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chủ động cùng các địa phương ban hành giải pháp chính sách hỗ trợ DN phân phối kinh doanh tại thị trường trong nước, để tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống phân phối, cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và DN sản xuất, gắn với thị trường trong nước, phù hợp với cam kết của EVFTA.
Trân trọng cảm ơn ông!