Diễn đàn nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước trao đổi và tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương, góp phần xây dựng các chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy có thể đứng vững trước các nguy cơ gián đoạn trong tương lai
Tham dự hội nghị có Bí thư (Thứ trưởng) Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông - bà Riva Ganguly Das; Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu; Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma; Tổng Giám đốc ICC Rajeev Singh; Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành; cùng lãnh đạo các hiệp hội, tổ chức, cũng như đại diện các chính quyền địa phương và trên 100 doanh nghiệp của hai nước.
Hội nghị được chia làm 4 phiên, trong đó có các phiên về cơ hội cho nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam và cơ hội cho nhà đầu đầu tư Việt Nam tại Ấn Độ. Đây là dịp tốt để các doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm hiểu về cơ chế, chính sách - pháp luật và cơ hội đầu tư, tiềm năng thị trường của mỗi nước, thăm dò triển vọng mở rộng hoạt động, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó cũng tác động không nhỏ đến các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Riva Ganguly Das khẳng định Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị và nồng ấm lâu đời dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, thiện chí và sự hội tụ chiến lược trong một số vấn đề toàn cầu và khu vực. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước hiện nay trải dài trên một phạm vi hợp tác rộng lớn - từ tương tác chính trị đến quan hệ đối tác kinh tế và phát triển, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác năng lượng, giao lưu văn hóa và nhân dân. Việt Nam một là trụ cột chính trong “Chính sách Hành động Hướng Đông” của Ấn Độ và là một đối tác quan trọng trong “Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vốn dựa trên các giá trị và lợi ích chung trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Theo bà Riva Ganguly Das, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ mức khiêm tốn chỉ 200 triệu USD vào năm 2000 lên 12,34 tỷ USD trong tài khóa 2019-2020. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và lớn thứ 4 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như thịt trâu, thủy sản, ngô, thép, dược phẩm, bông, máy móc trong khi hàng nhập khẩu từ Việt Nam điện thoại di động, máy móc thiết bị điện, máy tính, phần cứng điện tử, cao su thiên nhiên, hóa chất, cà phê...
Thứ trưởng Riva Ganguly Das khẳng định hai nước có tiềm năng lớn hợp tác trong các lĩnh vực khách sạn, y tế, dược phẩm, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, dịch vụ, công nghệ thông tin, khai khoáng, nông nghiệp... Hai bên có thể thiết lập quan hệ đối tác mới trong các lĩnh vực như nông-hải sản, dệt may, da và giày dép, máy móc thiết bị điện để đa dạng hóa giỏ thương mại.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam cho thấy tính đến tháng 6/2020, Ấn Độ có khoảng 278 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 887 triệu USD, trong các lĩnh vực như năng lượng, thăm dò khoáng sản, chế biến nông sản, đường, chè, sản xuất cà phê, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và linh kiện ô tô. Các khoản đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ đạt 28,55 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng.
Thứ trưởng Riva Ganguly Das đánh giá kim ngạch thương mại song phương vẫn chưa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế của hai nước. Do đó, Ấn Độ và Việt Nam cần nỗ lực hơn để mở rộng và tăng cường quan hệ không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà trong cả những lĩnh vực khác nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng của mối quan hệ giữa hai nước. Bà lưu ý trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19, đã từng có nhiều đoàn doanh nghiệp lớn do các phòng kinh doanh và hội đồng xúc tiến thương mại hàng đầu của Ấn Độ dẫn đầu đến Việt Nam để tham dự các hội thảo và triển lãm quốc tế.
Thứ trưởng Riva Ganguly Das bày tỏ hy vọng sau khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, hai nước sẽ có những trao đổi trực tiếp thường xuyên hơn bên cạnh việc tiếp tục hình thức tương tác trực tuyến.
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhận định “Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ - Việt Nam” ngày 20/10 là hết sức cần thiết để thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Ấn Độ và Việt Nam có thể được xem là đối thủ cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng với các lĩnh vực thế mạnh bổ sung cho nhau, hai nước có nhiều tiềm năng để thúc đẩy đầu tư song phương.
Đại sứ bày tỏ hy vọng với sự tham gia của các cơ quan chức năng của Ấn Độ và Việt Nam trong hội nghị, diễn đàn này sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp thông tin và kết nối các doanh nghiệp hai nước. Đại sứ cũng lưu ý, theo một số tổ chức ngân hàng quốc tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ có thể tăng thêm 1,1 tỷ USD mỗi năm. Trong bối cảnh những chuyển động của chuỗi cung ứng thời hậu COVID-19, thương mại giữa hai nước có thể đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp toàn cầu.