Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, bài viết nêu rõ Ấn Độ và Việt Nam vừa tổ chức cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban hỗn hợp song phương về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ. Cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì thông qua hội nghị trực tuyến.
Hai bên đều hài lòng về kết quả của cuộc họp và nhịp độ của mối quan hệ. Bộ trưởng Jaishankar đặc biệt đánh giá cao sự lãnh đạo tích cực của Việt Nam đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, nhất là vào thời điểm khu vực này đang nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, hai bên xác định rõ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Ấn Độ - Việt Nam và nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác kinh tế và quốc phòng. Hai bên đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân dân dụng, vũ trụ, khoa học biển và công nghệ mới nổi. Ấn Độ và Việt Nam cũng nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược “phù hợp với Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ (IPOI) và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đạt được an ninh, thịnh vượng và tăng trưởng chung cho tất cả các quốc gia trong khu vực”.
IPOI là sáng kiến do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á ở Thái Lan vào tháng 11/2019. Sáng kiến này xoay quanh 7 trụ cột, bao gồm an ninh hàng hải; sinh thái biển; tài nguyên hàng hải; xây dựng năng lực và chia sẻ nguồn lực; quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai; khoa học, công nghệ và hợp tác học thuật; kết nối thương mại và vận tải biển. Ấn Độ đã kêu gọi Việt Nam tham gia vào 1 trong 7 trụ cột của IPOI.
Tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp nêu trên, Ấn Độ cũng nhắc lại sự hỗ trợ phát triển và năng lực cho Việt Nam thông qua các dự án tác động nhanh (QIP), Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) và các sáng kiến e-ITEC, học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ và các đề xuất trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và kết nối kỹ thuật số.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) trong thông cáo báo chí của mình cho biết Ấn Độ đã phê duyệt 12 QIP để thực hiện ở Việt Nam, bao gồm 7 QIP về quản lý tài nguyên nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và 5 QIP liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục. Nghiên cứu và đào tạo cũng rất quan trọng trong chương trình nghị sự song phương và điều này đã được chuyển thành một số biên bản ghi nhớ giữa Học viện Ngoại giao Sushma Swaraj (SSIFS) của Ấn Độ và Học viện Ngoại giao Việt Nam, giữa Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ và Viện Nghiên cứu biển đảo Việt Nam.
Trước những thách thức chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ và Việt Nam đã quyết định phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức đa phương như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai bên cũng quyết định tiếp tục duy trì động lực trong các nền tảng chiến lược khu vực tương tự như trong ASEAN.