Mặc dù việc tăng giá điện đã được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia dự báo từ trước, nhưng tại buổi Tọa đàm các ý kiến cho rằng, thông tin đưa ra về chủ trương này cần phải minh bạch và dễ hiểu để người dân khi tiếp nhận có thể nắm bắt.
Cần thiết tăng giá điện
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, sau khi nghe cách giải thích của ngành điện, ông thấy đã đến lúc cần phải tăng giá điện. Mặc dù tâm lý người dân và doanh nghiệp đều không muốn giá điện cũng như giá các mặt hàng khác tăng, nhưng cân đối nền kinh tế một cách đa chiều thì cần thiết phải tăng.
Lý giải điều này, ông Lực cho hay, trước đây giá đầu vào của các doanh nghiệp vẫn có yếu tố bảo trợ của Nhà nước, song hiện nay giá đầu vào không còn được bảo trợ. Chính phủ cũng đang yêu cầu tiến dần theo hướng thị trường và đó là điểm tích cực.
Về liều lượng, Chính phủ và Bộ Công Thương đã cân nhắc các yếu tố khác nhau, bao nhiêu phần trăm là hợp lý, các tác động tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân ở mức phù hợp.
Còn về thời điểm, theo ông Lực là phù hợp vì giá cả trên thế giới, giá than, xăng dầu cơ bản gần như không tăng và không tạo mặt bằng lớn về áp lực lạm phát đối với Việt Nam. Đầu năm cũng là thời điểm để ngành điện hạch toán kế hoạch kinh doanh cũng như các doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm Chính phủ có thể cân nhắc các bước điều chỉnh để có thể đảm bảo vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô.
Một điểm nữa, việc điều chỉnh giá mặt hàng khác trong năm nay cũng phải cân nhắc để đảm bảo không dồn giá, tăng giá nhiều trong một năm vì nếu không sẽ tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 bày tỏ, cả người dân và doanh nghiệp không ai mong muốn tăng giá điện vì sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không bất ngờ với lần tăng giá này bởi các thông tin về lần tăng giá này đã được các doanh nghiệp nắm bắt được từ năm 2018 để tính toán kế hoạch hành động.
Chia sẻ về việc tăng giá điện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri khẳng định: hiện nay, giá nhiên liệu tăng; giá than tăng làm chi phí than tăng trên 7.000 tỷ đồng. Về giá khí hiện áp dụng theo giá thị trường nên sơ bộ năm 2019, phần chênh tăng giá khí cũng gần 6.000 tỷ đồng/năm
Ngoài ra, khi phát điện chạy dầu EVN phải chi thêm từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng để đảm bảo điện mùa khô do nguồn nước về các hồ thủy điện hạn chế; đồng thời các yếu tố chênh tỷ giá phải trả cho các nhà đầu tư bên ngoài khi họ đầu tư xây dựng nhà máy điện để bán điện cho EVN. Theo đó, năm 2017 phát sinh tỷ giá cho các nhà máy điện này trên 3.800 tỷ đồng; năm 2018 phát sinh trên 3.000 tỷ đồng mà chưa được tính trong phương án giá điện lần này.
Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương cho hay, hiện giá điện ở Việt Nam so với 8 nước khu vực Đông Nam Á bằng 58% giá điện bình quân của 8 nước này, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực, kể cả Lào, Campuchia... Sau khi điều chỉnh, giá điện mới bằng 66% giá bình quân. Còn so sánh với 10 nước có GDP tương tự Việt Nam, giá điện của chúng ta cũng chỉ bằng 80% các nước này. Sau khi điều chỉnh, giá điện bình quân của Việt Nam mới bằng 91% giá điện các nước.
Điều chỉnh phải đi kèm với minh bạch
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc giá điện tăng ngoài những lý giải nêu trên thì chi phí sản xuất kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp phải tiết giảm năng lượng, nâng cao ý thức người lao động, sử dụng những thiết bị tiết kiệm điện. Điều này là cần thiết với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, ông đề xuất cần nghiên cứu để tiến tới bỏ cơ chế bù chéo đối với các ngành sản xuất công nghiệp như: xi măng, sắt thép... Vì thế, điện cho công nghiệp chịu mức thấp hơn chỉ 6,8 cent, điện sinh hoạt 8,7 cent và điện ngành khác là 10 cent... Trong khi đó, điện công nghiệp "ngốn" khoảng 50% tỷ trọng, sinh hoạt khoảng 35%, kinh doanh 10%.
“Ngành điện đang tiến tới chi trả các nguồn đầu vào theo cơ chế thị trường và các ngành khác cũng phải theo cơ chế thị trường. Do đó, Chính phủ cần bỏ cơ chế bù chéo bởi người dân, ngành kinh doanh, dịch vụ... đang phải bù một khoản nào đó cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Như vậy sẽ công bằng hơn và tạo sự đồng thuận để trả khoản phí giá điện”, ông Lực nói.
Rõ ràng, điều người dân và doanh nghiệp mong muốn không phải giá điện thấp mà là một mức giá hợp lý, chất lượng và minh bạch.
Thời gian qua, EVN đã cố gắng trong việc minh bạch thông tin và chăm sóc khách hàng. Tổn thất điện năng EVN hoàn thành 6,83%, dưới mức 8% Chính phủ giao. Mức này tốt hơn nhiều nước như: Nga 10%; Ấn Độ 18%...
Ông Đinh Quang Tri cho hay, để đạt được mục tiêu trên, EVN và các Tổng công ty đã đầu tư lớn lưới điện, cải tạo lưới điện để giảm quá tải các trạm biến áp. Việt Nam cũng là nước đi đầu khu vực Đông Nam Á có mức tiếp cận điện năng đạt 99,9%, đứng thứ 27/190 nước mà World Bank xếp hạng.
Về minh bạch trong sản xuất kinh doanh điện và công bố thông tin, theo ông Tri, hàng năm, EVN đều thuê các đơn vị kiểm toán quốc tế để kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính; đồng thời chuyển cho các tổ chức tài chính quốc tế để minh bạch hoạt động của EVN. Nhờ đó, năm 2018, EVN được đánh giá xếp hạng tín nhiệm BB – cho phép EVN vay vốn trực tiếp mà không cần bảo lãnh Chính phủ...