Thời gian gần đây, do sự vận động của kinh tế thị trường nên nhiều mặt hàng phải điều chỉnh để phù hợp. Người tiêu dùng đang phải căn chỉnh chi tiêu để lo toan cho cuộc sống hàng ngày. Để giảm bớt gánh nặng cho người dân, cơ quan chức năng đang đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc điều hành giá cả phù hợp với tín hiệu thị trường.
Lựa chọn chính sách phù hợp
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, từ những tín hiệu trên đòi hỏi sự nhận thức, đồng thuận của người dân với những chủ trương của Chính phủ, chấp nhận tăng trưởng không phải là số một mà lãi suất phải được thực hiện theo nguyên tắc chống lạm phát.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện nay ở nước ta vấn đề khắc phục có hiệu quả về cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh... vẫn còn yếu kém. Đây chính là yếu tố tiềm ẩn gây lạm phát cao và bất ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng cầu của nền kinh tế đang cao hơn so với tổng cung; mặt khác chúng ta phải tiếp tục lộ trình điều chỉnh một số giá nhằm xóa dần sự bao cấp qua giá mà Nhà nước đang áp dụng (điện), hoặc kiểm soát giá bằng những hình thức thích hợp (xăng dầu)... sẽ tạo ra sức ép đẩy mặt bằng giá tăng.
Ông Thỏa cũng đưa ra nhận định, kiểm soát CPI tăng không quá cao là mục tiêu phấn đấu rất khó khăn, tính khả thi không vững chắc do nhiều nhân tố tác động bất lợi, khó kiểm soát. Đó là nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với các nguy cơ lớn như: Lạm phát, giá cả đang xảy ra ở mức cao, đe dọa sự bất ổn kinh tế của nhiều nước tương tự như giai đoạn từ giữa năm 2007 đến hết năm 2008.
Hàng hóa chuẩn bị phục vụ người tiêu dùng tại Siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). |
Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn ở ngã ba về chính sách, liên quan đến vấn đề thực hiện giá cả và cạnh tranh thị trường. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, theo nguyên lý chúng ta phải thực hiện sự cạnh tranh thị trường tuần tự theo từng bước của nó. Bước đầu tiên bao giờ cũng phải là cạnh tranh về cung ứng, cạnh tranh trong sản xuất, sau đó mới thực hiện đến cạnh tranh về giá. Nói cách khác là Chính phủ phải thực hiện thị trường cạnh tranh trong cung cấp, trong sản xuất trước khi thực hiện nguyên tắc giá cả thị trường. Nhưng ở Việt Nam với các lĩnh vực điện, xăng dầu... thì điều này dường như chưa được thực hiện đúng theo quy trình. Điều này được lý giải rằng, chúng ta thực hiện nguyên tắc cho phép các doanh nghiệp tiếp cận cạnh tranh thị trường nhanh hơn tiến độ của các nước khác trong khu vực... Nói cách khác, hiện nay, lĩnh vực điện, xăng dầu về cơ bản vẫn mang tính chất độc quyền nhưng các doanh nghiệp độc quyền này lại được phép định giá theo những động thái thị trường. Trong những yếu tố đó có cả những yếu tố khách quan và chủ quan. Ví dụ như giá nhập khẩu, hay những chi phí liên quan tới yếu tố đầu vào. Tuy nhiên, có những chi phí chưa đảm bảo tính thị trường thì các doanh nghiệp chưa công khai, chưa có sự điều tiết để đảm bảo giá này là giá tốt nhất.
Ông Phong nhấn mạnh, để thực hiện sự đồng thuận xã hội cao cũng như thực hiện những môi trường đầu tư cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, rõ ràng phải đẩy nhanh hơn tiến độ cạnh tranh trong vấn đề cung ứng xăng dầu cũng như điện ở nước ta để có được cơ chế thị trường theo đúng nghĩa.
Điều hành giá sát với thực tế cuộc sống
Theo đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong nửa đầu tháng 6, giá cả các mặt hàng thiết yếu nhìn chung giảm và ổn định so với cùng kỳ tháng 5/2011, dự kiến CPI tháng 6 có thể tăng ở mức 1,2- 1,4%.
Nhìn từ góc độ thị trường có thể nhận thấy những nỗ lực của các cơ quan quản lý và bản thân các doanh nghiệp nhằm tạo ra được một mặt bằng giá phù hợp và ổn định theo nhu cầu của thị trường. Dưới góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm theo dõi biến động của thị trường giá cả, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận xét, các siêu thị cũng đang có những động thái mới liên quan tới việc khẳng định quyền của người tiêu dùng, cũng như quyền của các hệ thống phân phối thay vì chịu mức giá áp đặt từ nhà sản xuất. Người tiêu dùng và các nhà phân phối cũng có quyền tác động tới vấn đề cung cầu cũng như về động thái để từ đó có được giá thị trường tốt nhất. Ông Ánh cho rằng, trong bối cảnh các siêu thị vẫn còn sự lựa chọn liên quan đến các nhà cung cấp hàng hóa, đặc biệt là nguồn cung cấp hàng hóa giá rẻ thì họ có quyền tạo ra sức ép điều chỉnh cho nhà sản xuất. Điều này là hợp lý và trong thời gian tới, cùng với sự va đập này thì nó sẽ đưa ra được những quyết định đúng. Ví dụ khi các doanh nghiệp cung cấp hàng mà không bán được hàng thì buộc phải hạ giá, khi các siêu thị cảm thấy không còn nguồn hàng nữa thì họ buộc phải chấp nhận, còn người tiêu dùng thì tùy theo túi tiền của mình.
Ông Ánh chia sẻ, hiện tượng các siêu thị ra tăng sức ép đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng là một tín hiệu lành mạnh và nên khuyến khích. Tuy nhiên, cũng cần tránh hiện tượng gây sức ép đơn phương và độc quyền cho các nhà sản xuất khiến họ buộc phải tìm kiếm hoặc tự xây dựng hệ thống phân phối mới. Điều này sẽ gây tốn kém cho nhà sản xuất, hoặc họ phải thu hẹp phần sản xuất của mình, trong khi phần đó lại cần thiết cho xã hội.
Mới đây dự thảo về Luật Giá với mục tiêu ổn định giá cả thị trường đã được đưa ra để lấy ý kiến của các chuyên gia và đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Trong đó đáng chú ý là những ý kiến cho rằng Luật Giá còn nhiều điểm cần sát với thực tế.
Nhìn vào những thay đổi của Luật Giá, ông Phạm Vũ Anh, Phó vụ Trưởng Vụ Quản lý giá, Bộ Tài Chính cho biết, dự thảo luật có ba nguyên tắc quản lý, điều hành giá, đó là: Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế; Nhà nước rời bỏ quyền định giá trực tiếp đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế đã hình thành thị trường cạnh tranh theo hướng tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật; Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết cả về kinh tế và hành chính để bình ổn giá, kiểm soát giá cả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Hy vọng, với quy định pháp luật về giá rõ ràng cùng với sự lựa chọn chính sách quản lý phù hợp, việc điều hành giá cả sẽ đưa thị trường sớm trở lại ổn định, giảm áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm.
Đức Duy