Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) đã trả lời phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII vào chiều 25/5 về việc tăng giá xăng dầu liên tiếp gần đây. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Bộ trưởng khẳng định: “Đợt điều chỉnh xăng dầu vừa rồi, chúng tôi tính toán rồi so sánh giữa giảm thuế nhập khẩu với việc tăng thuế môi trường của xăng dầu, chỉ riêng mặt hàng xăng tăng giá 162 đồng so với thời điểm trước khi chúng ta thay đổi thuế nhập khẩu và thay đổi thuế môi trường. Tăng 162 đồng trên tổng giá xăng 20.430 đồng/lít, tức là chỉ tăng 0,8% là không đáng kể. Trong khi đó, tính toán giữa thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với dầu diezen dầu hỏa và dầu mazut tại thời điểm hiện tại thì giảm hơn trước, thậm chí dầu diezen còn giảm 2.300 đồng/lít, dầu hỏa, dầu mazut đều giảm 500 đồng đến hơn 1.000 đồng/lít. Như vậy, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và tăng thuế môi trường đối với mặt hàng này thì giá xăng, dầu giảm hơn so với trước đây. Đây là con số đã được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về con số này”.
Đại biểu Vũ Huy Hoàng lý giải: “Ngay sau khi xăng tăng giá, dư luận đã có phản ứng tức thì. Báo chí so sánh giá bán xăng trong nước với giá dầu trên thị trường thế giới và cho rằng vào thời điểm trong nước tăng giá bán xăng, giá dầu thế giới lại giảm. Có người so sánh giá bán lẻ trong nước với một số nước trong khu vực và thấy giá bán trong nước cao hơn vài nghìn đồng. Cùng với đó là nỗi lo các mặt hàng khác, đặc biệt là cước vận tải tăng giá theo xăng… Chúng ta đang trong quá trình hội nhập và cam kết với các nước ASEAN trong khuôn khổ AFTA, thuế nhập khẩu đối với xăng dầu sẽ phải giảm dần".
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, đối với mặt hàng xăng từ 35% xuống còn 20%; thuế nhập khẩu dầu diezen giảm từ 35% còn 20% và thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm khác cũng giảm như vậy. Nhưng ngược lại, cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý cho điều chỉnh tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít và đối với dầu diezen, dầu mazut có loại từ 300 đồng/lít lên 500 đồng/lít, có loại từ 500 đồng lên 1.000 đồng/lít, có mặt hàng vẫn giữ nguyên giá nhưng thời điểm có hiệu lực của thuế môi trường đối với xăng dầu là từ ngày 1/5/2015.
Để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết giá trong bối cảnh hiện nay chúng ta không kiểm soát được trừ các doanh nghiệp lớn. Với 25 đầu mối kinh doanh xăng dầu, nếu có lợi các doanh nghiệp này sẽ kinh doanh, nhưng khi giá giảm họ không kinh doanh nữa dẫn đến mất nguồn cung, lúc đó sẽ rất nguy hiểm. Do đó, vẫn phải cần sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước điều tiết về mặt chính sách xã hội và sở dĩ chúng ta lập quỹ bình ổn xăng dầu là như thế, thậm chí ngư dân đi đánh bắt xa bờ Nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ là vì lý do đó.
Đợt tăng xăng dầu vừa rồi, theo Nghị định 83 với chu kỳ 15 ngày có ngày tăng, có ngày giảm nhưng tính tổng số là tăng. Chúng ta tính giá trung bình của 15 ngày. Giá trung bình 15 ngày cận kề với thời điểm điều chỉnh là ngày 20/5, tức là trước ngày 19/5 giá trung bình cao hơn giá hiện hành.
Nói giá xăng dầu thế giới, chúng ta phải nói giá sản phẩm xăng dầu tại thị trường Singapore. Có một số ý kiến nhầm sang giá dầu thô là không phải, thường là giá sản phẩm xăng dầu sẽ cao hơn giá dầu thô khoảng 30%. Thí dụ dầu thô khoảng 60 USD/thùng thì giá sản phẩm xăng dầu sẽ vào khoảng 80 USD/thùng.
“Về lâu dài, sự điều hành của Nhà nước vẫn bám sát cơ chế thị trường nhưng vẫn phải định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta khác các nước là như thế. Tuy nhiên, sẽ không để chênh lệch quá nhiều với thế giới, như thế không phù hợp. Thí dụ như giá xăng của Campuchia bây giờ là 22.000 đồng/lít (quy đổi ra tiền Việt Nam), giá xăng của Lào là 21.500 đồng/lít. Giá xăng của Việt Nam hiện nay tương đương giá xăng của Trung Quốc nhưng vẫn thấp hơn giá bán so với Lào và Campuchia”, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.