Doanh nghiệp bán lẻ xoay xở để tồn tại

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ và những người buôn bán nhỏ phải xoay xở đủ cách để tồn tại.

 

DN, tiểu thương bỏ chợ tăng


Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, đầu năm 2012 đã có gần 17.800 DN giải thể và ngừng hoạt động, trong đó tỷ lệ DN kinh doanh trong ngành bán lẻ chiếm gần 1/3. Thị trường bán lẻ trở nên ảm đạm khi nhiều trung tâm mua sắm, chợ truyền thống… ế ẩm và người mua ngày càng “kén cá chọn canh”. Kết thúc tháng 4, chỉ số tăng trưởng thực về doanh thu thị trường bán lẻ cả nước chỉ khoảng 5%, trong khi đó mức thấp nhất của năm 2010 cũng đạt 7,6%. “Từng là ngành kinh tế sôi động nhất, nhưng gần đây ngành bán lẻ đang rơi vào tình trạng trầm lắng, tăng trưởng chậm. Hiện nhiều DN đang vật lộn với tình trạng giá cả leo thang, sản xuất giảm sút trong khi đó người dân buộc phải hạn chế tiêu dùng, sản phẩm khó tiêu thụ...” , bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho hay.


 

Giá đã giảm tối đa nhưng vẫn khó thu hút người mua (ảnh chụp tại siêu thị Big C). Ảnh: Lê Nghĩa

 

Tình trạng khó khăn còn lan sang những chợ truyền thống khi tiểu thương bỏ chợ hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh. Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vốn sầm uất, tấp nập người mua, kẻ bán như Tân Bình, Phạm Văn Hai, Tân Định… do kinh doanh kém hiệu quả, không đủ chi phí duy trì…, số tiểu thương xin tạm dừng kinh doanh đang gia tăng. Cụ thể, tính đến thời điểm đầu tháng 5, tại chợ Phạm Văn Hai đã có gần 250 quầy hàng bỏ trống, chợ Hoàng Hoa Thám có gần 100 quầy hàng ngừng hoạt động… “Có nhiều nguyên nhân khiến cho hoạt động kinh doanh ở các chợ truyền thống không hiệu quả như: khách hàng có xu hướng vào siêu thị mua sắm, phát sinh nhiều chợ tạm… Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn do kinh tế khó khăn, khách hàng thắt chặt mua sắm và chỉ chi tiêu những thứ thật cần thiết”, chị Hà, chủ một sạp bán quần áo tại chợ Tân Định phân tích.


Đủ chiêu kích cầu


Trước tình hình nhu cầu và xu hướng mua sắm thay đổi, các DN bán lẻ buộc phải thay đổi hoạt động kinh doanh. Ngoài việc ổn định nguồn hàng, hiện nhiều DN đang tìm cách liên kết với nhau nhằm tận dụng chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường ra những khu vực còn ít sự cạnh tranh hoặc đầu tư các mô hình kinh doanh mới; đổi mới lại cách thức trưng bày và trang trí sao cho thật tiện lợi, bắt mắt để lôi cuốn người mua hàng… “Tại Sài Gòn Co.op, chúng tôi đang xác định lại phân khúc thị trường tốt hơn cũng như tìm kiếm thêm những thị trường tiềm năng, kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào… Tuy việc kinh doanh hiện gặp không ít khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn quyết định đưa vào hoạt động thêm 4 siêu thị mới trong mục tiêu sẽ mở thêm 8 siêu thị và 30 cửa hàng Co.op food trong năm 2012”, ông Danh Quý, Giám đốc Kế hoạch Đầu tư của Sài Gòn Co.op cho biết.


Nhằm tăng sức mua, các DN cũng đang tăng cường những phương thức tiếp thị, rầm rộ khuyến mãi… thu hút người tiêu dùng. Tại hệ thống siêu thị Big C, tiếp nối 6 chương trình khuyến mãi chào hè, DN đang triển khai thêm 4 chương trình khuyến mãi cực lớn với hơn 1.500 mặt hàng được bán với giá giảm từ 5 - 50% kèm nhiều quà tặng hấp dẫn. Trước đó, Công ty Vissan đã thông báo khuyến mãi giảm 10% đối với các loại thịt gia súc thuộc hệ thống. Các cửa hàng quần áo, giày dép trên đường phố, trung tâm thương mại cũng đồng loạt khuyến mãi dưới nhiều hình thức như mua 2 tặng 1, rút thăm trúng thưởng, tặng thêm quà… Theo thông tin từ thương hiệu xe máy Vespa, từ ngày 1/5/2012, DN đã triển khai chương trình khuyến mãi dịch vụ bảo dưỡng xe trên phạm vi toàn quốc đối với các dịch vụ như: kiểm tra, vệ sinh, bôi trơn, điều chỉnh và thay thế…

Nhóm PVKT-XH

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN