Doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội

Trong bối cảnh nền kinh tế cả trong và ngoài nước còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang phải chật vật để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời điểm này cũng chính là cơ hội để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các DN lớn và phát triển bền vững.


Nâng cao năng lực cạnh tranh


Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, số DN giải thể, ngừng hoạt động lên tới 26.324, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2011, số DN giải thể tăng tới 35,4%. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, số DN kinh doanh thua lỗ lên đến khoảng 70%. Điều này cho thấy, các DN đang phải đối mặt với những thử thách rất lớn trong môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệt. Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng: Mỗi lần biến động là một lần thanh lọc các DN làm ăn kém hiệu quả và tạo ra những DN lớn có năng lực cạnh tranh.

Trong thời kì khủng hoảng kinh tế mặc dù có nhiều khó khăn song cũng có nhiều cơ hội cho DN Việt vươn lên.


9 doanh nhân nhận giải thưởng “Doanh nhân trẻ xuất sắc”

Ngày 10/10, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ trao Giải thưởng “Doanh nhân trẻ xuất sắc TP Hồ Chí Minh” năm 2012. Đây là giải thưởng Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Liên Hiệp thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh và Hội Doanh nhân Trẻ tổ chức. Tính đến nay, giải thưởng đã trải qua chặng đường 12 năm với 59 gương mặt được vinh danh.

Trong năm nay, có 9 gương mặt doanh nhân trẻ xuất sắc và 5 gương mặt doanh nhân trẻ tiêu biểu nhận giải. Trong đó, có 2 doanh nhân được trao giải Doanh nhân trẻ xuất sắc TP Hồ Chí Minh trong 3 năm liền là ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), ông Dương Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn.

Trong các DN trẻ được trao giải năm nay, tiêu biểu nhất phải kể tới anh Đặng Hồng Anh. Hồng Anh tiếp nhận Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – Sacomreal năm 2004. Từ năm 2008 đến nay, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đi xuống và gần như rơi vào tình trạng đóng băng, hầu hết các DN không thể huy động vốn để phát triển dự án. Để vượt qua những khó khăn chung của thị trường, Hồng Anh đã nghiên cứu nhiều phương thức kinh doanh mới phù hợp với từng thời điểm, cụ thể: Đưa ra hình thức huy động vốn bằng trái phiếu, kiếm đối tác để liên kết, gia tăng sức mạnh của Sacomreal trên thị trường. Bên cạnh đó, do đã dự liệu được tình hình khó khăn chung của thị trường, Hồng Anh đã có kế hoạch sắp xếp nguồn vốn một cách hợp lý nhất từ cuối năm 2010 nhằm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án đã và đang đầu tư cũng như các hoạt động khác của công ty. Với sự quyết đoán và sáng tạo trong việc điều hành DN, mở rộng hoạt động kinh doanh theo cả chiều rộng và chiều sâu, anh Hồng Anh đã đưa Sacomreal vượt qua những khó khăn để trở thành một trong những công ty kinh doanh BĐS hàng đầu cả nước. Không chỉ đưa công ty phát triển vững mạnh, Đặng Hồng Anh tham gia tích cực phát triển cộng đồng: Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh (YBA), Chủ tịch Quỹ tấm lòng vàng YBA. Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận 3, TP Hồ Chí Minh, đóng góp tích cực trong các hoạt động xã hội.

Ngoài ra, để kịp thời động viên, khuyến khích sức trẻ sáng tạo từ doanh nhân trẻ, những doanh nhân đoạt giải thưởng doanh nhân trẻ xuất sắc 3 lần liên tiếp sẽ được đề xuất Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen...

Giải thưởng “Doanh nhân trẻ xuất sắc TP Hồ Chí Minh” năm nay thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau. Ngoài nhóm ngành quen thuộc như xây dựng, địa ốc… giải năm nay trao cho những DN xuất khẩu thủy hải sản, may mặc, môi trường… đây là nhóm ngành thành phố và Nhà nước đang khuyến khích phát triển.

Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh: Để biến những khó khăn, thách thức trong khủng hoảng thành lợi thế, các DN cần nhìn thấy những thay đổi đang chuẩn bị diễn ra và trang bị cho mình những phương pháp, kỹ năng mới tận dụng tối đa những cơ hội trong sự thay đổi đó. Khủng hoảng kinh tế là cơ hội để doanh nghiệp cải cách, tái cấu trúc, xác định lại thị trường, tập trung vào lợi thế cạnh tranh thực sự của mình để có thể đứng vững và vượt qua khủng hoảng.


Thực tế cho thấy, từ trong khủng hoảng các DN đã rà soát, xác định chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc để hướng đến những giá trị trụ vững và lâu bền. Đơn cử như DN vàng bạc đá quý Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), trong thời kỳ khủng hoảng, DN đã mạnh dạn thực hiện tái cấu trúc và đã tái cấu trúc thành công, gặt hái được nhiều thành tích như: Là công ty số một Việt Nam về ngành hàng vàng bạc đá quý và có hệ thống bán lẻ rộng khắp cả nước, top 50 công ty niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm…


Cơ hội cho DN Việt vươn lên


Ngoài ra, chính trong thời kỳ này cũng tạo ra cơ hội cho DN Việt Nam vươn lên khẳng định mình trên trường quốc tế. Ông Lương Văn Tự cho biết: Hiện cả nước có khoảng 350.000 DN, một lực lượng tương đối hùng hậu nhưng có chung nhược điểm là còn thụ động nên chưa vươn ra khỏi “ao nhà”. Mặt khác, DN Việt phải nghĩ sản phẩm của mình không phải chỉ cho thị trường trong nước mà phải nghĩ sản phẩm của mình cho tất cả người tiêu dùng ASEAN, vì hiện thuế giữa các nước trong khu vực chỉ còn 0-5%. Trong thời kỳ hội nhập, thị trường thế giới sẽ là bình thông nhau nên các DN Việt phải phấn đấu trong cuộc cạnh tranh đầy cam go và quyết liệt. Để làm được điều này, các DN phải tranh thủ các cơ hội trong khủng hoảng để vươn lên bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh.


Còn Thạc sỹ kinh tế Đoàn Hùng Nam, Học viện chính trị - Hành chính quốc gia khu vực II cho rằng: Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển, các tập đoàn đa quốc gia và DN FDI thường sử dụng khoa học công nghệ cốt lỗi để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nói riêng và của tập đoàn nói chung. Do đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt, trước hết phải hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực hiệu quả quản lí kinh tế của Nhà nước. Cụ thể là Nhà nước phải công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN, có chính sách phù hợp để DN trong nước cạnh tranh được với các DN nước ngoài.


Ngoài ra, bản thân DN phải nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng và đào tạo đội ngũ quản trị DN giỏi, vừa nắm kiến thức quản trị DN hiện đại, vừa có trình độ ngoại ngữ, am hiểu luật pháp thị trường trong và ngoài nước… Đồng thời, để thắng được trong cuộc cạnh tranh mới, các DN trong nước phải biết liên kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau để cùng phát triển.

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN