Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần may Hưng Yên, tỷ giá đồng NDT của Trung Quốc hạ xuống mức thấp nhất trong 5 năm chắc chắn gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là đối với một số ngành nghề xuất khẩu. Cụ thể, với hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều nhưng hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam sẽ chịu tác động lớn hơn. Khi đồng NDT của Trung Quốc bị yếu đi, đồng Việt Nam sẽ mạnh lên và khả năng cạnh tranh của họ sẽ cao hơn, từ đó hàng hóa sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Đó chính là nỗi lo của tất cả các mặt hàng có chung thị trường xuất khẩu với Trung Quốc.
Doanh nghiệp dệt may lo ngại cạnh tranh xuất khẩu với hàng Trung Quốc. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Về mặt hàng dệt may nói riêng, khi đồng Việt Nam mạnh lên cũng đồng nghĩa với việc các đơn hàng sẽ bị rút bớt và dịch chuyển sang thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, dệt may cũng gặp phải thách thức không nhỏ khi Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc về sản xuất và bán sản phẩm thu về bằng tiền USD. Khi đó, tiền thu về sẽ giảm so với trước đây, đồng nghĩa dòng tiền yếu đi, Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị mất đi phần nào thị trường xuất khẩu. Do đó, ông Dương cho rằng, khi đồng tiền NDT suy yếu sẽ gây bất lợi cho Việt Nam cả dòng tiền thu về lẫn thị trường xuất khẩu.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, việc hạ giá đồng NDT sẽ tạo ra lợi thế lớn hơn cho Trung Quốc trong việc xuất khẩu; trong đó, có xuất khẩu thép Trung Quốc ra thị trường thế giới. Thép Trung Quốc vốn dĩ đã rất cạnh tranh về giá, nên với việc đồng Trung Quốc giảm giá sẽ tạo điều kiện cho thép Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường trên thế giới và khu vực Đông Nam Á. Nhưng, tác động cụ thể thì cần phải đánh giá chi tiết hơn.
Tuy nhiên, thời điểm này, tác động của việc giảm giá đồng NDT chưa rõ ràng bằng những áp lực khác như dư thừa công suất và khả năng giảm nhu cầu tại Trung Quốc. Đó là những yếu tố mà nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu. Năm vừa qua, Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường thế giới hơn 110 triệu tấn thép. Việc giảm giá đồng NDT sẽ giúp Trung Quốc đẩy mạnh hơn xuất khẩu thép ra thế giới.
Đồng tình với ý kiến của ông Nghiêm Xuân Đa, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ, về tổng thể, việc hạ giá đồng NDT là để Trung Quốc tạo thế thuận lợi cho xuất khẩu của nước họ; trong đó có thép. Do vậy, tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hơn nữa vì lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Đông Nam Á là hơn 30 triệu tấn/năm; trong đó, Việt Nam chiếm khoảng 10 triệu tấn. Việc hạ giá đồng NDT sẽ khiến giá thép của Trung Quốc càng rẻ và điều này gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, việc bảo vệ bằng chống phá giá, phòng vệ thương mại là cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Còn dài hạn vẫn phải nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh, do thanh toán bằng đồng Việt Nam nên doanh nghiệp không bị tác động trước những điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc. Việc giảm giá đồng NDT cũng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc có chút đắn đo khi giao dịch. Nhưng, việc kinh doanh với những bạn hàng lâu năm và thanh toán bằng tiền Việt Nam đã đi vào nếp nên không ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp. Thậm chí, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu sản phẩm chè sang Trung Quốc của doanh nghiệp còn có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2015.
Đối với doanh nghiệp làm về lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần HaNoi Redtour cho hay, việc điều chỉnh tỷ giá cũng không tạo sự khác biệt lớn. Hiện giá tour đi Trung Quốc ở mức thấp, dao động từ 7 - 15 triệu đồng/tour (tương đương khoảng 300 - 500 USD); trong đó, khoảng một phần hai trong số này đã dành để trang trải chi phí vé máy bay và phần còn lại sử dụng cho các chi phí khác. Phía Trung Quốc báo giá các dịch vụ qua bên công ty theo giá NDT nên khi tỷ giá thay đổi, giá tour cũng có sự điều chỉnh nhưng không nhiều.