Doanh nghiệp du lịch cần 'tiếp sức' về vốn

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đa số doanh nghiệp (DN) du lịch trụ lại trên thị trường đến nay vẫn chưa hết khó khăn và họ bày tỏ mong muốn được tiếp cận với các gói hỗ trợ khẩn về vốn để vực dậy ngành du lịch.

Chú thích ảnh
Ngày 23/12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách" nhằm tìm ra những giải pháp để doanh nghiệp du lịch tiếp cận dễ dàng các khoản hỗ trợ từ Chính phủ, Nhà nước.

Là một DN có những công ty con hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết hầu hết các DN trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, khu nghỉ dưỡng, lữ hành, khu vui chơi giải trí, hội chợ triển lãm… của đơn vị đều bị tác động rất lớn bởi đại dịch COVID-19. Một số doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành khách sạn, du lịch phải hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm nghiêm trọng. Mặc dù đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp này vẫn khó để khôi phục kinh doanh hoàn toàn. Vì vậy, đơn vị mong muốn các doanh nghiệp du lịch sẽ được hỗ trợ tiếp cận về vốn, cơ chế, chính sách dễ dàng hơn để khôi phục lại hoạt động trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Tương tự, ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐTV Công ty cổ phần Du thuyền Việt Princess, cho biết các DN khai thác khách du thuyền có tài sản cố định rất lớn. Mỗi con tàu trị giá khoảng 60 tỉ đồng, trước đây DN có thể mang đi thế chấp vay vốn rất dễ. Tuy nhiên, từ khi có dịch bệnh COVID-19, 3 tàu du lịch chuyên đón khách quốc tế từng chiếm khoảng 85% doanh thu của DN phải nằm chờ, muốn đem thế chấp vay vốn nhưng ngân hàng không nhận.

"Chúng tôi có 4 con tàu du lịch, trừ khấu hao, giá trị còn khoảng 180 tỉ đồng nhưng không được ngân hàng chấp nhận cho thế chấp vay vốn. Trong khi đó, những chiếc tàu này hằng tháng vẫn phải tốn chi phí duy trì, bảo dưỡng, trả phí neo đậu, đăng kiểm hằng năm… Để duy trì hoạt động, các thành viên Hội đồng quản trị của công ty phải lấy tài sản cá nhân đem thế chấp vay ngân hàng, sau đó lấy nguồn vốn để quay trở lại duy trì hoạt động của công ty", ông Cường cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh DN gặp khó do tác động của đại dịch, nhà nước đã ban hành những gói hỗ trợ như: gói 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ cho DN vay trả lương cho người lao động ngừng việc… Tuy nhiên, đến nay thành phố mới có khoảng 453 cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm giá điện; 600 hướng dẫn viên du lịch nhận được gói hỗ trợ; 21 DN được hỗ trợ giảm phí, lệ phí. Một số DN được ân hạn, giảm lãi vay nhưng số này không nhiều do phần lớn DN du lịch không có tài sản thế chấp…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết trước những khó khăn trong quá trình tiếp cận những gói hỗ trợ, các sở, ngành, trong đó có Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã tập hợp những bất cập để trình UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, giúp quy định dễ đi vào cuộc sống hơn. Ngoài ra, sắp tới Sở sẽ hỗ trợ DN du lịch vượt qua khó khăn thông qua giải pháp kích cầu, tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu nguồn nhân lực và xây dựng nền tảng chuyển đổi số; thường xuyên lắng nghe ý kiến của các DN du lịch, chuyên gia để tiếp tục tham mưu, kiến nghị các chính sách, giải pháp hỗ trợ.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, một trong những vướng mắc lớn nhất cần cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ để tiếp sức cho DN hiện nay là cơ chế. Cụ thể, DN du lịch kiến nghị xin được mượn lại tiền ký quỹ (DN lữ hành nội địa 100 triệu đồng, DN lữ hành quốc tế 500 triệu đồng) để có nguồn tiền trang trải… nhưng hơn 6 tháng qua, mong muốn này vẫn chưa được đáp ứng.

Chú thích ảnh
Dưới tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp du lịch đã quay sang phát triển du lịch nội địa để duy trì hoạt động.

Trong khi đó, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: "Để tháo gỡ cho doanh nghiệp du lịch về vốn, cơ chế lẫn các chính sách, ngành du lịch trước mắt tiếp tục kiến nghị xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12/2021. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi. Thực tế, các ngân hàng hiện nay mới áp dụng việc giảm lãi suất cho vay 1-2 %, hoặc giãn, lùi thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thuộc diện được tái cơ cấu chứ chưa có chính sách lùi thời gian trả lãi vay".

“Hiện nay, ngành du lịch cũng đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, khoanh nhóm nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn… cho các doanh nghiệp du lịch đang cần vốn vay để khôi phục kinh doanh trong những tháng cuối năm. Về lâu dài, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp hỗ trợ khác như: giảm giá điện trong các cơ sở lưu trú và giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất...", ông Ngô Hoài Chung nói thêm.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết ngành ngân hàng đã có nhiều cơ chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ngân hàng một cách tốt nhất với lãi suất tốt nhất trong mùa dịch bệnh COVID-19.

"Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh vẫn khẳng định ngành ngân hàng trên địa bàn không thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Năm 2020, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng TP Hồ Chí Minh đặt ra là 14%. Tính đến 11 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới đạt trên 8%, như vậy dư địa cho vay còn khoảng 6% (tương đương khoảng 124.000 tỉ đồng các ngân hàng thương mại có thể bơm ra thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịp cuối năm). Ngoài ra, các ngân hàng không được từ chối khách hàng có nhu cầu vay, nếu đáp ứng đủ điều kiện”, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.

Bài, ảnh:Hoàng Tuyết /Báo Tin tức
Trải nghiệm du lịch hồ Hòa Bình
Trải nghiệm du lịch hồ Hòa Bình

Với phong cảnh sông núi đẹp, hùng vĩ, cảnh quan nguyên sơ và đa dạng các hệ sinh thái, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Cùng với những xóm, bản bình yên nằm dọc hai bên bờ cùng sông nước mênh mang cùng núi rừng huyền bí, hồ Hòa Bình đang trở thành một điểm trải nghiệm hấp dẫn được rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Người dân nơi đây đang hướng đến phát triển mạnh các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN