Xây dựng kinh tế xanh để bước nhanh vào kỷ nguyên mới

Đông Nam Bộ phát triển công nghiệp sớm và nhanh nhất cả nước, góp phần to lớn cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp quá nhanh cũng để lại không ít những hệ lụy về môi trường. Vì vậy, các tỉnh khu vực này đang tích cực điều chỉnh để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Chú thích ảnh
Một góc khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Xanh hóa từ công nghiệp

Theo định hướng, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính.

Điển hình, tại Khu công nghiệp VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Với mục tiêu không khí thải carbon, tác động tích cực đến môi trường sẽ góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh.

Tương tự, nhà máy bia AB InBev (VSIP II-A) cũng đã vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất được 840.600 kWh/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện đang sử dụng mỗi năm.

Công ty Jakob Sài Gòn chuyên sản xuất và kinh doanh hệ thống dây thừng và phụ kiện. Nhà máy áp dụng các nguyên tắc thông gió tự nhiên và sử dụng cây xanh cho toàn bộ mặt ngoài, giúp giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí nhà kính thải ra. Đặc biệt, việc đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời và xe máy điện cho nhân viên là khẳng định cho cam kết phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của Jakob Sài Gòn.

Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Tại Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết: Đồng Nai đã và đang xây dựng, triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh. Hiện nay, trong các khu công nghiệp Đồng Nai có rất nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng các quy trình công nghệ sản xuất xanh vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường. Điển hình là Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia tại KCN Amata - Đồng Nai.

Theo Giám đốc Toshiba Asia Nguyễn Phước Hiếu, để tiết kiệm năng lượng, công ty đã chủ động thực hiện kỹ thuật thu hồi toàn bộ nhiệt phát ra của các nhà máy để phục vụ lại chính hoạt động sản xuất bên trong. “Nếu trước đây để sấy sản phẩm sau khi sơn phủ và sấy khô dầu trên sản phẩm lá thép đều sử dụng đèn sấy hồng ngoại dùng năng lượng điện, thì đến nay đã sử dụng nguồn nhiệt thải từ lò nấu nhôm để sấy sản phẩm thông qua thiết bị trao đổi nhiệt giúp giảm lượng điện năng sử dụng và giảm lượng phát thải CO2. Ước tính giải pháp này giúp Công ty tiết kiệm gần 1 tỷ đồng chi phí tiền điện và gần 400 tấn CO2 mỗi năm”, ông Hiếu nói.

Tương tự, Công ty TNHH Onsemiconductor Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) cam kết đến năm 2040 sẽ đạt được chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero). Doanh nghiệp đang nghiên cứu và đầu tư các chương trình sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; trong đó có dự án chuyển đổi sử dụng 50% năng lượng tái tạo vào năm 2030 và 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040.

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB ở KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), để hạn chế các tác động tiêu cực, doanh nghiệp sử dụng hệ thống máy lạnh lớn trong nhà xưởng được làm mát từ việc sử dụng tấm quang điện mặt trời. Bên cạnh việc tiết giảm năng lượng, giảm phát thải ngay tại nhà máy, GSB còn hợp tác chiến lược với đối tác lớn đến từ Australia để có thể tạo ra những công trình, nhà xưởng tối ưu hóa sử dụng năng lượng.

Hướng tới nền kinh tế xanh

Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp với 33 khu công nghiệp (KCN) và 27 cụm công nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp với hơn 1.600 dự án FDI và hơn 1.000 dự án đầu tư trong nước. Đồng Nai cũng là một trong những địa phương đầu tiên cả nước thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Tỉnh Đồng Nai đã tiên phong thực hiện đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hiện thực hóa Net Zero theo cam kết của Chính phủ tại COP26 và COP28. Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai đã đưa ra khung định hướng với 5 trụ cột phát triển và 6 yếu tố hỗ trợ làm nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu nói trên; trong đó, chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, góp phần hoàn thành mục tiêu Net Zero trước năm 2050.

Chú thích ảnh
Một góc Khu công nghiệp do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Ảnh: TTXVN phát

Tại Bình Dương, quy hoạch công nghiệp đã phủ khắp với 33 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam, 13% diện tích khu công nghiệp Việt Nam và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 789,91 ha. Để hướng tới phát triển xanh bền vững, Bình Dương xác định tăng trưởng xanh theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; trong đó, thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững làm cốt lõi.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới – mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trọng tâm, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC cho biết: Trong định hướng tiếp tục đổi mới mô hình phát triển của Becamex, KCN thông minh - sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu của thời đại nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện hữu. “Với định hướng phát triển bền vững, hệ sinh thái mới này kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi mô hình KCN hiện tại thành các KCN thông minh và xanh hơn” ông Phạm Ngọc Thuận nói.

Xanh hoá nền công nghiệp đang là câu chuyện nóng của vùng kinh tế động lực phía Nam, đặc biệt tại 2 tỉnh công nghiệp lớn miền Đông là Đồng Nai và Bình Dương. Câu chuyện này không chỉ chỉ nằm trong trên đề án chiến lược quốc gia và địa phương mà còn là những thay đổi sát sườn, từng ngày, từng giờ trong từng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các địa phương vùng Đông Nam bộ cùng nhau xây dựng kinh tế xanh để phát triển nhanh và bền vững để tiến nhanh vào kỷ nguyên vươn mình của dân tôc.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Lô thiết bị chuyên dụng đáp ứng môi trường xanh cập bến Cảng quốc tế Hải Phòng
Lô thiết bị chuyên dụng đáp ứng môi trường xanh cập bến Cảng quốc tế Hải Phòng

Ngày 16/11, thông tin từ Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, lô 8 thiết bị cần cẩu giàn bánh lốp (RTG) đầu tiên đã về bến container số 3 và 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN