Sự kiện được tổ chức nhằm hỗ trợ các phóng viên, nhà báo tác nghiệp hiệu quả hơn thông qua việc hiểu đúng, hiểu rõ về những nguyên lý cơ bản về mô hình kinh tế tuần hoàn, các thách thức, cơ hội khi triển khai kinh tế tuần hoàn; đồng thời, giới thiệu những thông lệ tốt đang được triển khai tại Phần Lan – quốc gia tiên phong trong mô hình kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó, tạo kênh đối thoại trực tiếp giữa báo chí, doanh nghiệp cùng đại diện các bộ, ngành và chuyên gia quốc tế về thực tiễn triển khai và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; các mô hình dự án theo định hướng kinh tế tuần hoàn đang được triển khai khá hiệu quả tại một số địa phương trên cả nước....
Khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Chủ tịch Hội đồng Vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam (VBCSD) cho biết, đây là lần thứ hai, VBCSD tổ chức buổi đối thoại báo chí về phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như yêu cầu tất yếu cần thực hiện các hiệp định thương mại tự do, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường... thì kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh – tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường.
Tại hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019, kinh tế tuần hoàn cũng là một trong các chủ đề chính nhận được nhiều sự quan tâm từ các bộ ngành, các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Vinh, trong xu hướng hiện nay, cơ hội về phát triển bền vững mở ra cho các doanh nghiệp là rất lớn, ước tính đạt khoảng 12 tỷ USD/năm theo ước tính của các tổ chức quốc tế; trong đó, riêng cơ hội về kinh tế tuần hoàn là khoảng 4,5 tỷ USD/năm.
Kinh tế tuần hoàn có thể còn là khái niệm khá mới mẻ, nhưng thực tế là đã được thực hiện từ rất lâu nay đối với doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung. Nhưng để hiểu một cách căn cơ thế nào là kinh tế tuần hoàn, lợi ích thu lại, ứng dụng và triển khai ra sao trong thực tế và nhân rộng bằng cách nào lại là vấn đề không dễ dàng và cần được chia sẻ kỹ hơn, tuyên truyền sâu rộng hơn.
Các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung luôn phải đứng trước việc làm sao vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh, hiệu quả của các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, với việc duy trì, bảo vệ và gìn giữ môi trường. Kinh tế tuần hoàn chính là lời giải cho những xung đột này, những mâu thuẫn này.
Nói rộng hơn, kinh tế tuần hoàn còn là niềm cảm hứng, là động lực khuyến khích các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ sáng tạo và các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn. Đó chính là nhiệm vụ của doanh nghiệp và cũng là việc mà VBCSD-VCCI đang nỗ lực thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kinh tế tuần hoàn.
Ông Vinh cho hay, theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn. Nếu vẫn giữ nhịp độ phát triển như hiện nay thì mức độ xả nhựa của Việt Nam có thể đạt khoảng 8 triệu tấn/năm. Vì thế, theo nhận định của Liên Hiệp quốc, nếu tiếp tục không có biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2030, ở ngoài biển khơi sẽ có nhiều nhựa, sắt, thép, vật liệu xây dựng...
Vậy làm thế nào để nêu bật được những rủi ro đang đề cập và định hướng các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững; làm thế nào để sáng tạo thêm ra những mô hình kinh tế tuần hoàn và làm sao để hiện thực hóa các cam kết với cộng đồng quốc tế về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc... chính là nội dung sẽ được đề cập tại buổi gặp gỡ, đối thoại báo chí lần này.
"Đã tới lúc nói ít hơn và làm nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt Nam cần hành động nhiều hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030. Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững hơn cho Việt Nam; trong đó, có vai trò to lớn của doanh nghiệp", ông Vinh nhấn mạnh.
Đại diện phía Phần Lan, ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho hay, Chính phủ Phần Lan đã nỗ lực trong nhiều chương trình, dự án nhằm tạo nên 1 hệ thống kết nối để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc tái tạo năng lượng... Mục tiêu đề ra là trong vài năm tới, Phần Lan sẽ được đã xác định là nền kinh tế carbon trung tính. Đây là mục tiêu tham vọng nên các khái niệm về kinh tế tuần hoàn đã được lồng ghép vào nhiều chương trình, dự án quan trọng; trong đó, được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quỹ đầu tư.
Trình bày về nguyên lý kinh tế tuần hoàn; thực trạng phát triển, cơ hội, thách thức và kinh nghiệm quốc tế, Chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn của Tổ chức Sitra, ông Ernesto Hartikainen cho hay, với mô hình phát triển kinh tế như hiện tại, dự báo việc tiêu thụ nguyên liệu toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2060 và lượng phát thải khí nhà kính hàng năm sẽ tăng từ 40GT lên tới 75GT vào năm 2060.
Với việc thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển ở nhiều quốc gia trên toàn cầu sẽ tạo nên 1 hệ thống thu hồi chủ động để giữ lại khối lượng và các giá trị lớn hơn cho nền kinh tế. Thậm chí, kinh tế tuần hoàn còn có thể giúp giảm 56% lượng khí thải CO2 vào năm 2050 trên toàn cầu.
Dự đoán về tiềm năng kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn, ông Ernesto cho biết, sản lượng kinh tế toàn cầu có thể sẽ tăng thêm 4.000-5.000 tỷ USD vào năm 2030 và 25.000 tỷ USD vào năm 2050; trong đó, lợi ích ròng đổ vào châu Âu sẽ đạt khoảng 1.800 tỷ Euro và tiết kiệm cho các doanh nghiệp châu Âu khoảng 600 tỷ Euro vào năm 2030.
Ông Ernesto cũng giới thiệu về 5 mô hình kinh doanh trong kinh tế tuần hoàn. Đó là kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm; biến sản phẩm thành dịch vụ; sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để chia sẻ và gia tăng hiệu quả sử dụng hàng hóa, tài nguyên; ưu tiên cho các vật liệu có khả năng tái chế, tái tạo và phân hủy sinh học; phát triển công nghệ nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong chuỗi giá trị.
Tư duy về kinh tế tuần hoàn cần phải được đưa vào trường học và là năng lực phải có để đánh giá nhân tài tương lai, ông Ernesto khuyến nghị.