Doanh nghiệp khởi nghiệp hút vốn đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trước cuộc đua công nghệ 4.0. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, đây là thị trường tiềm năng bởi ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp Việt rất sáng tạo và phong phú.

Kiếm hàng triệu USD nhờ ý tưởng sáng tạo

Chú thích ảnh
Các CEO chia sẻ về những mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ đang thành công tại Việt Nam, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Là một doanh nhân thuộc thế hệ 8X, yêu thích du lịch, năm 2014, ông Lê Đắc Lâm thành lập hệ thống website và ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến lớn của Việt Nam - Vntrip.vn. Đến nay, hệ thống này đã phát triển lớn mạnh với tốc độ đáng kinh ngạc. Không chỉ là đơn vị có quyền truy cập vào mạng lưới kết nối với gần 2 triệu khách sạn trong và ngoài nước, Vntrip.vn còn tự xây dựng được mạng lưới với hơn 11.000 khách sạn trên cả nước.

Trước đó, tháng 7/2016, doanh nghiệp này nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ một nhà đầu tư nước ngoài. Một năm sau đó, Vntrip.vn lại tiếp tục nhận được 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Đến tháng 8/2018, Vntrip.vn đã huy động vốn thành công từ nhà đầu tư Thụy Sĩ IHAG Holding với mức định giá 45 triệu USD. Mới đây, Vntrip.vn vừa công bố sáp nhập Atadi.vn - một đơn vị chuyên cung cấp vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam, vào hệ thống của mình.

Ứng dụng eDoctor (khám sức khỏe tổng quát, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, chăm sóc sức khỏe tại nhà...) - dự án được lựa chọn là startup Việt duy nhất tham gia chương trình hỗ trợ các dự án khởi nghiệp Launchpad Accelerator của Google, hiện có mạng lưới bác sĩ online với hơn 300 bác sĩ thường xuyên tư vấn cho khách hàng thông qua hệ thống ứng dụng di động của eDoctor, phục vụ cho hơn 10.000 lượt khách hàng.

Logivan - công ty công nghệ được mệnh danh là "Uber xe tải" của Việt Nam mới đây cũng đã nhận vốn 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Alpha JWC và hai nhà đầu tư khác.

Chú thích ảnh
Nông nghiệp công nghệ cao cũng là một trong những mô hình kinh doanh được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rót vốn.

Trước đó, một số thương vụ khác cũng đã gọi vốn thành công trong năm 2018 với quy mô tương đối lớn. Theo báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào startup Việt Nam của Topica Founder Institute (TFI) vừa công bố mới đây, đã có gần 900 triệu USD “đổ” vào các doanh nghiệp startup Việt với 92 thương vụ. 

Riêng 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận, như Yeah1 (100 triệu USD), Sendo (51 triệu USD), Topica (50 triệu USD) cùng 7 thương vụ không được tiết lộ khác đều có giá trị trên 30 triệu USD mỗi thương vụ. 

Năm lĩnh vực startup thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là Fintech, E-commerce, TravelTech, Logistics và Edtech. Trong đó, Fintech quay lại vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong năm 2018 với 8 thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD. E-commerce (thương mại điện tử) đứng vị trí thứ hai khi chỉ có 5 thương vụ diễn ra, so với 21 thương vụ vào năm 2017. Tổng giá trị đầu tư năm qua lĩnh vực này là 104 triệu USD. 

TravelTech (khởi nghiệp lĩnh vực du lịch trên nền tảng công nghệ) gây bất ngờ khi vươn lên hạng ba với 8 thương vụ, tổng giá trị 64 triệu USD, gồm Vntrip, Luxstay, Atadi, Vleisure và vài thương vụ không tiết lộ khác. Trong khi đó, lĩnh vực logistics và Edtech (khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục trên nền tảng công nghệ) thu hút 3 - 4 thương vụ, giá trị hơn 50 triệu USD.

Tiềm năng thị trường startup

Là chuyên gia cố vấn chuyên môn về Blockchain, chuyên cung cấp tư vấn chuyển đổi kỹ thuật số và chiến lược sản phẩm cho các công ty khởi nghiệp, ông David Lang cho biết, với kinh nghiệm từng cố vấn cho các công ty Fortune 100, bao gồm AT&T, Alibaba, Facebook, IBM, Cisco, Google, eBay, Walmart, Paypal và Toyota, ông nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài hiện nay rất thích  đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, có ba ngành kinh doanh chính mà các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung phát triển, đó là Fintech (công nghệ trong tài chính), nông nghiệp công nghệ cao và bất động sản. 

Chú thích ảnh
Ông David Lang cho biết nhà đầu tư nước ngoài hiện rất thích đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nhiều chuyên gia cố vấn khởi nghiệp cũng cho biết, năm 2019, dòng vốn đầu tư vào startup có triển vọng và sôi động hơn. Gần đây nhất, Topica Founder Institute và Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư. Cụ thể, lần đầu tiên tại Đông Nam Á, tất cả startup tốt nghiệp TFI sẽ nhận được đầu tư 50.000 USD, với quỹ tối thiểu 500.000 USD mỗi khóa từ Insignia Ventures Partners. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, một quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng cam kết đầu tư một nguồn vốn cố định hàng năm cho các dự án startup mà không cần xem xét hay đánh giá khả năng thành công của dự án. Startup chỉ cần đạt điều kiện duy nhất là tốt nghiệp chương trình huấn luyện khởi nghiệp TFI.

"Việt Nam là một thị trường startup sôi động và đầy tiềm năng, nếu được đầu tư phù hợp, startup Việt có thể tạo nên sự đột phá và thành công", ông Yinglan Tan - nhà sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners nói.

Không chỉ thế, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện tại, có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup ... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Hầu hết các thương vụ M&A tại Việt Nam có giá trị quy mô nhỏ
Hầu hết các thương vụ M&A tại Việt Nam có giá trị quy mô nhỏ

Theo nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research) và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán, sáp nhập (CMAC), mặc dù hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều sụt giảm về giá trị M&A (mua bán và sát nhập), tuy nhiên Việt Nam vẫn xếp thứ 2 sau khu vực, chỉ sau Thái Lan. Đáng chú ý, các thương vụ M&A tại Việt Nam chủ yếu là các giao dịch quy mô nhỏ (5 - 6 triệu USD, tương đương 100 - 120 tỷ đồng), chiếm trên 90% về số lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN