Theo đó, theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tập trung nhiều doanh nghiệp và lao động nhất, với 660,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,4% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 35,1% so với năm 2016; thu hút 8,6 triệu lao động, chiếm 58,6% trong tổng số lao động, tăng 0,4% so với năm 2016.
Khu vực doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng số doanh nghiệp nhanh nhất trong ba khu vực và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng số việc làm tạo ra tại khu vực doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp FDI là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,3% tổng số doanh nghiệp, tăng 58,8% so năm 2016; thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 34,6%, tăng 22,5% so với năm 2016.
Do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại của Nhà nước, khu vực doanh nghiệp nhà nước liên tục giảm trong giai đoạn này, tính đến 31/12/2020, tổng số doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 1.963 doanh nghiệp, chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp, giảm 26,3% so với năm 2016. Các doanh nghiệp thu hút 1 triệu lao động, chiếm 6,8% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 21,8% so với năm 2016.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, theo lao động, doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô lao động bình quân tương đương với doanh nghiệp nhỏ, trong khi đó doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI có quy mô lao động bình quân tương đương với doanh nghiệp lớn.
Tại thời điểm 31/12/2020, quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, với 512,4 lao động; tiếp theo là doanh nghiệp FDI, với 228,9 lao động; thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, với 13 lao động.
Quy mô lao động bình quân của doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp qua các năm trong giai đoạn 2016-2020. Quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp ngoài nhà nước giai đoạn này là 15 lao động. Chủ yếu do doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 99% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cả nước.
Ngược lại, lao động bình quân một doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI ở mức khá cao, với quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 lần lượt là 499,4 và 266,1 lao động.
Cũng theo kết quả Tổng điều tra cho thấy, theo vùng kinh tế, số lượng doanh nghiệp và lao động phát triển nhanh tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ, nơi tập trung 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng thể hiện rõ vai trò là hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, luôn dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp và số lao động.
Theo đó, vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế, tại thời điểm 31/12/2020, vùng này có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước với 281,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,1% số doanh nghiệp cả nước, tăng 32,2% so với năm 2016; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2016.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước với 216,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 36,8% so với năm 2016; thu hút 4,9 triệu lao động, chiếm 33,2%, tăng 6,9% so với năm 2016.
Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào doanh nghiệp duy trì nhịp tăng trưởng nhanh qua các năm, quy mô doanh nghiệp được mở rộng chủ yếu dựa trên sự phát triển của nhân tố vốn thay vì nhân tố lao động.
Nguồn vốn thu hút vào doanh nghiệp tăng trưởng nhanh qua các năm, với tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2020 đạt 48,7 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 73,5% so với cùng thời điểm năm 2016.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn thu hút đạt bình quân ,4 triệu tỷ đồng/năm, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn đạt 14,8%/năm, tăng 104,1% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn luôn ở mức tăng trưởng cao hơn so tăng trưởng về số lượng lao động, cho thấy quy mô về lao động bình quân của các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp nhưng quy mô về nguồn vốn bình quân của các doanh nghiệp lại có xu hướng mở rộng.
“Điều này phản ánh doanh nghiệp mở rộng quy mô chủ yếu dựa vào tăng trưởng nguồn vốn thay vì tăng trưởng lao động; đồng thời, cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng để thu hút vốn đầu tư, là tiền đề thúc đẩy các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.
Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn vốn giữa các loại hình doanh nghiệp thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI, giảm dần tỷ trọng nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nhiều nguồn vốn nhất.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong ba cuộc Tổng điều tra do ngành Thống kê chủ trì thực hiện với mục tiêu giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; phục vụ công tác tham mưu chiến lược của các bộ, ngành và địa phương; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương nói riêng.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 4 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Khác với các kỳ Tổng điều tra kinh tế trước đây, trong Tổng điều tra năm 2021 đơn vị điều tra là cơ quan hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện. Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng báo cáo nhằm phác họa đầy đủ sự biến động của toàn bộ các đơn vị điều tra đang hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2020 được chọn là năm số liệu để thu thập và tổng hợp thống nhất cho tất cả các loại đơn vị điều tra.