Do vậy, các doanh nghiệp hiện đang tập trung vượt khó ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra.
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp địa bàn tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới có nhiều biến động, sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU... cùng với khả năng suy thoái kinh tế gia tăng.
Mặt khác, tình hình chính trị thế giới xảy ra nhiều bất ổn đã tác động làm chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiến đơn hàng sản xuất, sắp xếp nguồn nhân lực và cân đối nguồn vốn sản xuất.
Trong tổng số 65 nhóm sản phẩm công nghiệp của tỉnh Long An thì có đến 20 nhóm có sản lượng giảm trong năm 2022; trong đó, nhiều nhóm sản phẩm có sản lượng giảm sâu như: nhóm áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan mócgiảm 83,19%; nhóm sợi từ bông (staple) nhân tạo giảm 24,44%; nhóm giường bằng gỗ các loại giảm 40,47%...
Theo ông Võ Thanh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hòa Thành - Long An, cũng như nhiều ngành nghề khác, việc sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ của công ty gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Việc xuất khẩu hàng hóa không như kỳ vọng do đối tác nước ngoài hủy đơn hàng đã dẫn đến hoạt động sản xuất gặp khó. Có thời điểm, công ty buộc phải cắt giảm giờ làm của công nhân để duy trì sản xuất.
Tương tự, bà Ninh Thị Bích Thùy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép TVP cho biết, năm 2022 vừa qua là một năm cực kỳ khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ngành thép. Việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, chi phí tài chính… đều tăng.
Theo dự báo của ngành chức năng, tình hình kinh tế, chính trị thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khoá dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu...
Trong nước, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa kết nối lại hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình biến động chính trị trên thế giới. Đặc biệt, do áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh sẽ gây tác động lớn đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Do đó, các doanh nghiệp trên địa bàn hiện đang nỗ lực vượt khó để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra bằng nhiều cách khác nhau. Một số doanh nghiệp hiện đang tập trung để tái cơ cấu hoạt động sản xuất, phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm bù đắp lại lượng sụt giảm từ các thị trường truyền thống.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hòa Thành Long An - Võ Thanh Tú, trước những khó khăn thách thức của việc tiêu thụ sản phẩm, công ty đã nỗ lực tìm kiếm thị trường mới ở châu Á, châu Mỹ, Australia... để giảm sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống là châu Âu. Nhờ vậy, công ty đã nhận được đơn hàng từ các đối tác để đảm bảo hoạt động sản xuất cho đến hết tháng 5/2023.
Bà Ninh Thị Bích Thùy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép TVP cho biết, thời gian qua, Công ty Thép TVP đã thực hiện nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn. Bên cạnh việc cải tổ sản xuất, mở rộng thị trường, công ty đã tập trung phát triển sản phẩm mới từ thép và đã được thị trường đón nhận. Nhờ đó, doanh thu và sản lượng năm 2022 của doanh nghiệp vẫn đảm bảo theo kế hoạch. Hiện, Công ty Thép TVP vẫn đang nỗ lực để mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng sản xuất, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 2023.
Theo ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An, để góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó vươn lên, UBND tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Tỉnh chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư các dự án có tác động lớn, tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông; tập trung cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư, tổ chức xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước…