Doanh nghiệp sẵn sàng “đón” TPP

Dự kiến vào cuối năm nay, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ bước vào vòng đàm phán cuối cùng. Hiện các doanh nghiệp (DN) trong nước đang tất bật với kế hoạch kinh doanh đón đầu, nhằm tận dụng cơ hội phát triển thị trường.

 

Chủ động đón đầu


Hiệp định TPP được ký kết sẽ là cú hích cho sự phát triển của ngành dệt may ở cả số lượng và chất lượng. “Số lượng là quy mô sản xuất và xuất khẩu, còn chất lượng là sự hoàn thiện hơn trong hệ thống sản xuất kinh doanh của các DN trong việc nâng cao, cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành khi các DN được cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện cơ cấu lại khách hàng, lựa chọn khách hàng phù hợp”, ông Lê Tiến Trường, Phó TGĐ thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhận định.

Doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để tận dụng cơ hội mà Hiệp định TPP mang lại.


Ông Trường cho biết thêm, tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu trong năm 2013 đã giảm so với các năm trước, tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 50%... Song song đó, nhiều dự án sợi, dệt nhuộm của DN đi vào hoạt động như nhà máy sợi Vinatex - Hồng Lĩnh quy mô 30.000 cọc sợi, nhà máy Phú Bài 2 quy mô 15.000 cọc sợi… Riêng Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn đã tăng cường đầu tư, mở công ty tại nước ngoài nhắm đến mục tiêu bán hàng trực tiếp ở nước ngoài theo cách “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Còn Công ty May 10, ngay từ năm 2012 đã xây dựng hai nhà máy sản xuất trang phục định hướng xuất khẩu đi Mỹ nhằm đón đầu ưu đãi về thuế suất có thể giảm từ khoảng 20% hiện nay xuống mức 0-5% khi Hiệp định TPP được thông qua.


Đối với ngành sản xuất lúa gạo, do hai đối thủ xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Ấn Độ và Thái Lan không tham gia đàm phán, nên đây sẽ là lợi thế lớn cho Việt Nam khi giao dịch trong nội khối Hiệp định TPP. Hiện Bộ Công Thương đã đưa ra những tiêu chuẩn bắt buộc cho DN tham gia xuất khẩu gạo qua việc phải đáp ứng nghiêm các điều kiện kinh doanh như: có kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo và đặc biệt phải có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với các hộ nông dân trồng lúa… Tương tự, DN thuỷ sản cũng đang bận rộn với kế hoạch kinh doanh “thời hậu Hiệp định TPP”. Nhiều DN như Công ty CP Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước, Công ty CP Hùng Vương… đã sớm chú trọng đầu tư công nghệ, vùng nguyên liệu… đáp ứng các yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của những nhà nhập khẩu để sẵn sàng tăng số lượng xuất khẩu.


Không ít gian nan


Hiệp định TPP được đánh giá sẽ là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức cho không ít DN không “thức thời” bởi đây là sân chơi bình đẳng và không có cơ chế riêng cho bất kỳ một quốc gia hay DN nào. “Khi Hiệp định TPP được ký kết cũng là lúc “cuộc đua” chính thức bắt đầu và để tránh thiệt hại, DN phải tự thân vận động để thích nghi. Vì thế, DN buộc phải đổi mới, chuyển đổi phương thức kinh doanh phù hợp để tồn tại”, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, nhận định.


Cụ thể, với ngành dệt may, yêu cầu xuất xứ sản phẩm nguyên phụ liệu sẽ là vấn đề đau đầu cho không ít DN. Theo quy định, dệt may phải ghi rõ xuất xứ sợi, nhuộm và nếu nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia chưa tham gia Hiệp định TPP sẽ không được hưởng các ưu đãi về thuế. “Đây sẽ là cơ hội cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong việc mở rộng, phát triển cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Hiện chúng tôi đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may, đặc biệt ở các lĩnh vực mà DN trong nước đang thiếu và yếu nhằm đảm bảo các nguyên tắc xuất xứ sản phẩm. Chúng tôi đã liên doanh với Itochu (Nhật Bản) xây nhà máy với 50.000 cọc sợi, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD và cùng với một số dự án khác của Hàn Quốc, Trung Quốc… Việc này sẽ giúp ngành tháo gỡ phần nào khó khăn trên”, ông Trường cho biết thêm.


Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định TPP được ký kết sẽ là chìa khoá giúp DN Việt Nam bước qua cánh cửa vào thị trường vô cùng rộng lớn. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các DN phải tăng tốc lên kế hoạch chuyển hướng nguồn nguyên liệu, chuyển hướng kinh doanh, chuyển hướng thị trường nhằm tận dụng được ngay cơ hội này. Các ngành sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng cần có kế hoạch cải tổ, tối ưu hóa sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh để sẵn sàng đối phó với sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa giá rẻ, chất lượng của nước ngoài.


“Hiệp định TPP có mức độ mở cửa sâu và rộng. Đó là tất cả các nước tham gia cam kết sẽ cắt giảm thuế quan gần như 100% cho hàng hóa của nhau với lộ trình cắt giảm rất ngắn và bao trùm cả các lĩnh vực thương mại và phi thương mại. Điều chúng tôi lo lắng là không ít DN trong nước vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này”, ông Hưng cho biết.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Việt Nam tham dự Hội nghị doanh nghiệp CLMV tại Ấn Độ
Việt Nam tham dự Hội nghị doanh nghiệp CLMV tại Ấn Độ

Ngày 22/10, đoàn đại biểu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự phiên họp toàn thể “Hội nghị Doanh nghiệp Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam” (CLMV) tại khách sạn Taj Palace ở thủ đô New Delhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN