Doanh nghiệp vẫn cố gắng thưởng Tết, tăng lương
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cao nhất ở TP Hồ Chí Minh với gần 1,3 tỷ đồng/người, thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mức thưởng này vượt mức cao nhất của Tết Nguyên đán năm 2021 (gần 1,1 tỷ đồng/người). Trong khi đó, mức thưởng Tết Dương lịch năm 2022 cao nhất là 471 triệu đồng/người, cũng thuộc doanh nghiệp ở khối FDI. Mức thưởng này thấp hơn mức thưởng Tết Dương lịch năm 2021 (990 triệu đồng/người).
Theo đó, sau khi khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp sử dụng gần 175.000 lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Tấn cho biết, năm 2021, dù doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 tác động, song nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng trung bình Tết Dương lịch 2022 của người lao động là 4 triệu đồng/người, cao hơn mức trung bình 3,4 triệu đồng của Tết 2021. Mức thưởng trung bình trong Tết Nguyên đán 2022 là 4,2 triệu đồng, gần bằng một nửa so với Tết Nguyên đán 2021 (8,8 triệu đồng/người).
Ngoài tiền thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp còn có các hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà Tết, tặng phiếu mua hàng, lì xì… Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ người lao động tổ chức xe đưa đón nếu muốn về quê trong dịp Tết. Đối với người lao động ở lại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp, đơn vị còn có kế hoạch tổ chức tất niên và thăm hỏi, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức vui Xuân đón Tết cho người lao động.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, việc thưởng Tết Nhâm Dần 2022 giảm từ 30 - 40% so với mức thưởng Tết năm 2021, nhất là ở những doanh nghiệp có đông công nhân. Nguyên nhân là do tác động của đại dịch COVID-19 từ cuối tháng 4-10/2021, đa số các doanh nghiệp đều phải ngưng hoạt động nhưng vẫn phải duy trì việc trả lương tối thiểu vùng hoặc chỉ làm với năng suất rất thấp khiến sản lượng, doanh thu giảm cùng với số ngày làm việc thực tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng vừa mới bắt đầu hoạt động bình thường trở lại từ sau tháng 10 đến nay nên cần cân đối nguồn tài chính để thực hiện việc chăm lo, thưởng Tết cho công nhân, người lao động.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch lương, thưởng Tết cho công nhân lao động. Một số doanh nghiệp còn lại đang phối hợp cùng Công đoàn cơ sở cân đối nguồn thu chi trước khi công bố lương thưởng, thời gian nghỉ Tết và ngày trở lại làm việc sau Tết Nhâm Dần 2022.
“Một số doanh nghiệp mặt dù gặp nhiều khó khăn kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát nhưng vẫn nỗ lực cam kết thưởng bằng mức lương tháng 13 cho công nhân lao động, thể hiện sự chăm lo và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Ngược lại, một số ít doanh nghiệp đang tập trung vào sản xuất, tìm các đơn hàng từ nay đến Tết Nguyên đán để có kế hoạch chăm lo thỏa đáng cho công nhân hay ít nhất cũng thưởng Tết tương đương 1 tháng lương tối thiểu vùng”, ông Huỳnh Văn Tuấn cho biết thêm.
Công nhân phấn khởi, vui vẻ
Mấy ngày qua, nhiều công nhân của các công ty trong các Khu chế xuất - Khu công nghiệp tỏ ra vô cùng phấn khởi vì được thưởng Tết cao hơn năm ngoái. Chị Lê Thị Thu Thảo, công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao cho biết, công ty vừa thông báo từ đầu năm 2022, những công nhân có lương cơ bản dưới 7 triệu đồng thì sẽ được tăng thêm 200.000 đồng, còn những người có mức lương cơ bản trên 7 triệu đồng thì trước mắt chưa tăng thêm mà chờ quy định của Nhà nước. Dịp Tết 2022, công nhân sẽ được thưởng Tết bằng 2,5 thu nhập hàng tháng. Mức này đã tăng 0,5 lần so với Tết năm ngoái, điều này khiến đa số lao động đều tỏ ra vui mừng.
Tương tự, anh Nguyễn Viết Hải, công nhân Công ty Nissei Electric Việt Nam cho biết, trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc công ty công bố thưởng Tết sớm và công bố việc tăng lương cho người lao động với mức tăng thêm 200.000 đồng/người khiến công nhân rất vui. Điều này cũng cho thấy, nỗ lực rất lớn của ban lãnh đạo công ty khi chăm lo, quan tâm đến người lao động đang gặp khó khăn trong mùa dịch. "Với sự quan tâm của công ty, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất để giúp công ty tăng trưởng cao hơn so với năm 2021 và sẽ gắn bó lâu dài với công ty hơn", anh Nguyễn Viết Hải nói.
Là doanh nghiệp có quyết định tăng lương cho nhiều người lao động, chị Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam cho biết, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tháng qua công ty đã phải giảm lao động để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và tổ chức sản xuất theo phương thức “một cung đường, hai điểm đến”. Theo đó, chi phí cho công tác phòng dịch khá tốn kém. Tuy nhiên, công ty vẫn quyết định thưởng Tết từ 1,8 đến 2,2 tháng lương cho người lao động tùy theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, ban giám đốc công ty đã thông báo sẽ tăng lương cho gần 2.000 lao động với mức 200.000 đồng/người/năm để động viên người lao động cố gắng làm việc và gắn bó lâu dài với công ty dù trong mùa dịch.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, mặc dù dịch COVID-19 khiến số doanh nghiệp phải đóng cửa khá nhiều nhưng với doanh nghiệp còn hoạt động, họ vẫn cố gắng lo cho người lao động thưởng Tết bằng lương tháng thứ 13 để người lao động yên tâm làm việc hơn.
"Ngoài ra, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nhà nước chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngược lại phía doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với người lao động, tùy tình hình thực tế có thể tăng lương để người lao động cảm thấy phấn khởi hơn. Trong bối cảnh cạnh tranh lao động như hiện nay, doanh nghiệp nào có chính sách lương, phúc lợi tốt sẽ là một lợi thế để thu hút và giữ chân người lao động lâu dài", ông Hồ Xuân Lâm cho biết thêm.