Nhiều thách thức
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ cho biết, vừa qua Việt Nam tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo đà cho các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức không nhỏ.
Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, doanh nghiệp thường gặp các khó khăn về việc siết chặt các quy định đảm bảo môi trường/khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững khi sản xuất; một số thị trường thì gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp…
Ví dụ tại thị trường EU, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi EU công bố chiến lược dệt may tuần hoàn. Hay đối với mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam, cần phải đáp ứng các điều kiện giấy phép VPA/Flegt (Thỏa thuận đối tác tự nguyện/Quản trị rừng và lâm nghiệp), giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG (Environmental – Social - Governance), phát thải CO2…
Liên quan đến ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp Việt vào các thị trường đều giữ mức ổn định. Hiện nay, ngành gỗ có khoảng 14 triệu ha rừng, trong đó có 4 triệu ha rừng sản xuất. Nếu quy hoạch tốt, doanh nghiệp gỗ có thể đảm bảo 60% nguyên liệu, phần hụt có thể thiếu bù đắp từ Mỹ, Chile. “Tuy nhiên, ngành gỗ lại đối mặt với những khó khăn với các yêu cầu về môi trường, lao động hay nguồn gốc xuất xứ… Bên cạnh khó khăn, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao chất lượng cho sản phẩm gỗ Việt Nam khi vượt qua được những yêu cầu này”, ông Nguyễn Chánh Phương nói.
Trong khi đó, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Công ty Nestle Việt Nam cho biết, đối vối ngành nông nghiệp, việc tham gia các FTA có nhiều thuận lợi lẫn thách thức. Cụ thể, việc tham gia FTA đã tạo thuận lợi cho ngành cà phê, nhất là với các đối tác như châu Âu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều vốn đầu tư, sản xuất cho ngành.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành cà phê cũng đối diện với nhiều thách thức. Thứ nhất, xu hướng của người tiêu dùng đến từ châu Âu và Mỹ ngày càng khắt khe hơn về nguồn nguyên liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật, đòi hỏi các nước phải tuân thủ nhằm đảm bảo tính bền vững của nguồn nguyên liệu. Thứ hai, việc cạnh tranh xuất khẩu với các nước trong khối Asean như Malaysia, Indonesia, Philippines… Thứ ba, các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho vấn đề chỉ dẫn địa lý để tạo sự minh bạch hàng hóa và thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp cần "chuyển mình" để thích ứng
Để hướng đến xuất khẩu bền vững, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh mới sau đại dịch, muốn tồn tại và phát triển, đầu tiên doanh nghiệp phải bắt nhịp kịp với thị trường để đưa ra những sản phẩm thị trường cần. Cụ thể, doanh nghiệp phải nghiên cứu sâu thị hiếu, tiêu chuẩn của thị trường, từ đó có kế hoạch, phương án thay đổi mẫu mã theo nhu cầu của đối tác... Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản hơn để tiết kiệm chi phí đầu vào, có như vậy mới có sản phấm chất lượng để hướng đến xuất khẩu bền vững và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều hơn.
Đồng quan điểm trên, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhưng chưa có chiến lược xuất khẩu sản phẩm chế biến đi vào chiều sâu hay sản phẩm organic mà hiện nay, doanh nghiệp chủ yếu là xuất thô, chiếm hơn 80%. Do đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu bền vững cần có chiến lược chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến đi vào chiều sâu. Để làm được điều này, bên cạnh vốn, doanh nghiệp phải củng cố nguồn lực, đi theo tiêu chuẩn của thế giới để thâm nhập vào thị trường sâu hơn. Đây cũng là cách duy nhất để khẳng định năng lực của DN.
Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết, từ thực tiễn và yêu cầu mới đặt ra từ các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường; tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt cần tập trung vào giải pháp đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết. Ngoài ra, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không riêng tại thị trường EU, vì thế doanh nghiệp cần nỗ lực xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường...
Liên quan đến phát triển xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo chiến lược này, định hướng xuất khẩu hàng hoá yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2022, xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, sau 9 tháng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.