Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng sản xuất của năm 2014, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tập trung xây dựng và điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, thị trường. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng điện, than, xăng dầu, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện. Huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư sản xuất công nghiệp, khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế... Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao trình độ sản xuất trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, vật tư nông nghiệp, hóa chất, công nghiệp nhẹ.
Đối với việc phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế. Đa dạng hóa diện mặt hàng xuất khẩu, rà soát lại diện hàng hóa xuất khẩu. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân và có các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.
Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình cung cầu, thị trường các mặt hàng thiết yếu. Tích cực triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển thị trường nội địa, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần phát triển thị trường trong nước, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại. |