Doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó
Trong những ngày gần đây, việc Hải Phòng siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình lao động Hải Phòng sang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) - điểm giáp ranh giữa 2 địa phương và ngược lại. Theo phản ánh, nếu những lao động người Tứ Kỳ có xác nhận của UBND huyện thì phía Hải Phòng đồng ý cho đi làm và về trong ngày. Tuy nhiên, với những lao động nhà ở Hải Phòng muốn sang doanh nghiệp ở huyện Tứ Kỳ làm thì rất khó khăn.
Công ty TNHH Bai Hong thuộc cụm công nghiệp Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) có 298 công nhân người Hải Phòng trong tổng số khoảng 1.700 lao động. Chị Vũ Thị Tươi - Trưởng phòng nhân sự công ty này chia sẻ, bên Hải Phòng yêu cầu nếu người Hải Phòng muốn đi làm tại doanh nghiệp ở Hải Dương thì phải chấp nhận thuê trọ ở lại chứ không được quay về. Công nhân Thái Bình và Nam Định cũng bị ảnh hưởng vì đường đi làm của họ cũng phải qua địa phận của huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng rồi mới sang được huyện Tứ Kỳ. Muốn đi qua, phải có giấy xác nhận của địa phương và phải xin giấy này hàng ngày. Điều này rất khó đáp ứng nên nhiều lao động đã phải nghỉ làm. Qua theo dõi, trong số 298 công nhân Hải Phòng đang làm tại doanh nghiệp, ngày 9/4 chỉ có 55 người đi làm.
Về phía công ty, dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến việc nhập nguyên liệu, xuất đơn hàng, một số đơn hàng hủy, chưa có đơn hàng mới nhưng vẫn cố gắng giữ chân công nhân. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp lại bị thiếu hụt lao động nên từ 6/4 đến nay đã phải cắt giảm dây chuyền, chỉ còn 3/6 dây chuyền hoạt động.
Anh D, người huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, công nhân của công ty này, cho biết khi trước, anh thường đi làm và về nhà trong ngày. Nhưng trước tình cảnh này, anh phải ở nhờ nhà người quen một thời gian để tiện công việc.
Tại Công ty TNHH GFT Việt Nam - doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản và thị trường châu Âu, rất nhiều công nhân cũng đang gặp khó khăn tương tự. Hiện công ty này có khoảng 1.200 lao động người Hải Phòng trong tổng số 7.500 lao động. Theo bà Lương Thị Hân - cán bộ phụ trách Hành chính nhân sự của công ty, vì Hải Phòng thực hiện cấm người ra vào địa bàn nên gần 1.000 người lao động của doanh nghiệp là người Hải Phòng đã phải tạm nghỉ việc.
Bổ sung nhân lực từ các bộ phận khác để thay thế những người phải nghỉ là phương án tạm thời doanh nghiệp này đang triển khai. "Công ty đã phải đề nghị khách hàng giãn thời gian giao hàng; đồng thời, thuê văn phòng tại Hải Phòng để bố trí khối nhân viên văn phòng người huyện An Lão và Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng) có thể đến làm việc. Hiện công ty chỉ sắp xếp được cho hơn 100 người ở lại ký túc xá nhưng vẫn còn cả nghìn người trong diện này thì không thể đáp ứng nổi", chị Hân chia sẻ.
Anh Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tứ Kỳ cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chấp hành tốt việc chống dịch như: đo thân nhiệt, yêu cầu công nhân rửa tay bằng cồn, bố trí xà phòng tại các bồn rửa tay, hạn chế tiếp xúc trong khu vực sản xuất… Theo thống kê của Liên đoàn lao động huyện, hiện có khoảng 1.800 công nhân là người Hải Phòng sang làm các doanh nghiệp ở Tứ Kỳ. Đồng thời, huyện Tứ Kỳ cũng có trên 500 công dân đang làm tại các doanh nghiệp của Hải Phòng. Do Hải Phòng siết chặt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nên những người lao động thuộc diện này gặp rất nhiều khó khăn khi qua lại giữa hai địa phương để đến nơi làm việc mỗi ngày. Vì vậy, nhiều lao động đành phải ở nhà.
Cần sớm điều chỉnh phù hợp
Sau khi nhận được phản ánh từ doanh nghiệp và người lao động, ngày 7/4, UBND huyện Tứ Kỳ đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hải Phòng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Hải Phòng và các huyện trên địa bàn thành phố tạo điều kiện cho công nhân của địa phương này đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Tứ Kỳ được đi, về hàng ngày khi người lao động xuất trình đầy đủ thẻ công nhân và thẻ căn cước. Đồng thời, Tứ Kỳ cũng cho phép công dân người địa phương đang làm việc tại các doanh nghiệp tại Hải Phòng được đi, về hàng ngày khi xuất trình đủ giấy tờ theo yêu cầu. Huyện Tứ Kỳ yêu cầu doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; người lao động phải có cam kết tự đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong việc đi lại và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay phía Hải Phòng vẫn chưa có văn bản phúc đáp.
Đại diện lãnh đạo huyện Tứ Kỳ và các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Hải Phòng sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động. Theo ông Nguyễn Ngọc Sẫm - Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, hiện tại địa phương vẫn nỗ lực triển khai các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg, song song với nghiêm túc kiểm soát việc giãn cách xã hội là tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, với khoảng 30.000 công nhân lao động đang làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn mà nếu doanh nghiệp dừng hoạt động thì lượng người thất nghiệp sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nhà máy, cơ sở sản xuất được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đặc biệt, văn bản cũng nêu rõ "các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị 16/CT-TTg".
Căn cứ tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nên chăng, các địa phương cần xem xét lại một số quy định chưa phù hợp để có sự điều chỉnh nhằm vừa thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động.