Thông tin từ Grab Việt Nam cho hay, bắt đầu từ ngày 10/3/2022, đơn vị này sẽ chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Trong khi đó, các hãng khác như Gojek và BeGroup chưa có động thái gì tương tự. Như vậy, Grab là hãng gọi xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước trên thị trường.
Cụ thể, kể từ ngày 10/3, với dịch vụ gọi xe ô tô GrabCar, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng.
Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ tại Tp Hồ Chí Minh được điều chỉnh lên mức .600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo; tại Hà Nội là 34.300 đồng cho 2 km đầu tiên và cho 2 km đầu tiên và 11.800 đồng mỗi km tiếp theo.
Giá cước trên chưa bao gồm thời gian di chuyển sau 2 km đầu tiên, dao động từ 430-590 đồng mỗi phút theo từng dịch vụ và thành phố.
Ở các tỉnh thành khác, dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành như Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vĩnh Phúc, phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, dao động khoảng 10.000-12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo với dịch vụ Grabcar 4 chỗ.
Grap Việt Nam cho biết, giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác, đồng thời có thể bị điều chỉnh linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.
Lý giải về lý do tăng giá cước các dịch vụ của Grab, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh là để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Đồng thời, bà hy vọng việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế, để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, tài xế GrabCar Đỗ Văn Thường ở quận Nam Từ Liêm cùng nhiều tài xế khác chia sẻ, việc tăng giá cước này trong bối cảnh giá xăng vừa tăng gấp đôi so với thời điểm giãn cách xã hội là hoàn toàn hợp lý. Cước tăng, cả Grab và tài xế Grab đều hưởng lợi và có thu nhập cao hơn theo tỷ lệ khấu trừ 33% tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế.
Tài xế Đỗ Văn Thường cũng cho rằng, với việc tăng giá này, Grab nên khuyến mại ở mức 5% hay 10% cho khách hàng đỡ thiệt khi sử dụng dịch vụ và cũng là cách để thu hút khách nhiều hơn trong lúc các hãng khác chưa có động thái tăng giá cước.
Trong khi đó, tài xế hãng taxi truyền thống Sông Nhuệ Phạm Anh Thơ cho biết, hãng vừa quyết định tăng giá 1.000 đồng/km, ở mức mở cửa là 20.000 đồng cho 1,5km đầu tiên, những km tiếp theo có giá 13.500 đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục hơn 27.000 đồng/lít và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại nên thu nhập từ dịch vụ này giảm mạnh so với trước đây…
Anh Nguyễn Anh Tú, chạy xe tuyến Hà Nội - Nội Bài cho hay, giá cước bình thường trong năm chỉ 200.000 đồng/lượt đi - về, nhưng nay giá xăng tăng quá nhiều, khiến anh em tài xế buộc phải nâng mức cước lên 250.000 đồng/lượt. Nếu không tăng giá thì chắc chắn sẽ không đủ bù đắp chi phí bởi mỗi cuốc xe, chi phí cho xăng vào khoảng 80.000 đồng, chưa kể ăn trưa, bến bãi, hao mòn...
Đại diện doanh nghiệp vận tải hàng hóa tuyến Bắc - Nam, bà Vũ Tuyết Hạnh, Công ty Vận tải Cường Thắng cho hay, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá, nhưng mức điều chỉnh chỉ ở khoảng 15-20% và chỉ thực hiện với khách lẻ để bù đắp chi phí. Những đối tác "chung thân", làm việc hàng chục năm sẽ không thể tăng được, bởi nếu tăng doanh nghiệp sẽ mất khách quen. Với mức tăng giá cước như hiện nay, doanh nghiệp đang sụt giảm doanh thu tới 40%, trong khi đó, dịch bệnh khiến số lượng khách vận chuyển giảm nhiều, các đơn hàng không có.
"Chúng tôi buộc phải giữ cước ổn định, chấp nhận chịu thua thiệt để giữ được chân những khách hàng lâu năm. Nhưng với xu hướng tăng giá dầu, giá xăng thời gian tới đây, sẽ là bài toán rất khó cho doanh nghiệp: Không chạy cũng chết mà chạy tiếp thì thu khó bù nổi chi", bà Vũ Tuyết Hạnh nói.
Theo Công ty Taxi Phượng Hoàng, Hà Nội, giá xăng tăng mạnh, nếu không tăng cước thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, không thể cáng được. Theo đó, đơn vị này đã tăng 1.000 đồng/km sau 1,3 km đầu tiên. Cụ thể, dưới 25 km, giá tăng từ 10.500 đồng/km lên 11.500 đồng/km; từ 26 km trở đi, tăng từ mức 9.000 đông/km lên 10.000 đồng/km. Việc tăng giá nhằm đảm bảo hài hòa về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Danh Liên, chuyên gia lĩnh vực vận tải cho hay, với mức giá xăng hiện nay, doanh nghiệp nếu không tăng cước thì càng chạy càng lỗ; ngược lại, nếu tăng giá để bù đắp chi phí nhiên liệu thì e ngại không có khách; xe "đắp chiếu" thì không có tiền trả lãi vay, lương cho người lao động và mất nguồn khách hàng quen thuộc.
"Đặc biệt với lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh và taxi, họ chưa thể tăng giá ngay do phải thực hiện các thủ tục phê duyệt, in lại vé, đổi vé, thay biển báo, đồng hồ..., trong khi giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh thời gian tới. Hiện số lượng đầu xe hoạt động vận tải chỉ khoảng 30% do lượng khách sụt giảm, vận chuyển hàng ít, ông Bùi Danh Liên nói.
Việc cước vận tải tăng chắc chắn sẽ gây ra tác động không nhỏ tới mặt bằng giá cả hàng hóa tiêu dùng. Điều này khiến nhiều mặt hàng hình thành mặt bằng giá mới, nguy cơ lạm phát tăng cao.
Đại diện Hệ thống Lotte Mart Việt Nam cho biết, hiện đang đàm phán với các đơn vị kéo dài thời gian áp dụng mức giá mới theo thông báo của nhà cung cấp, cố gắng tận dụng nguồn hàng dự trữ trong kho để giữ mặt bằng giá cũ lâu nhất có thể. Tuy nhiên, với áp lực chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, thị trường nhiều mặt hàng sẽ có điều chỉnh ở mức giá mới.
Không chỉ tại các siêu thị, nhiều cửa hàng kinh doanh ẩm thực tại Hà Nội cũng chịu tác động mạnh từ giá xăng tăng. Cô Lê Thị Lý, chủ quán bún ốc tóp mỡ tại Bạch Mai cho hay, hiện nay giá ốc nhồi đã lên tới 150.000-160.000 đông/kg (35 con), tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021; giá các loại hành, ớt đều tăng từ 50-70%, thịt bò tăng 25%... Những yếu tố này khiến chi phí mỗi sản phẩm bán ra tăng khoảng 30%. Tuy vậy, cửa hàng cũng không dám tăng giá nhiều, bởi do dịch bệnh, chi tiêu người dân sụt giảm. Nếu tăng giá thì sẽ không có khách, nên cửa hàng chấp nhận ổn định giá bán như cũ để giữ khách...
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, xu hướng giá xăng dầu sẽ còn tăng tiếp, chứ chưa dừng lại ở mức như hiện nay. Điều này sẽ có tác động gián tiếp rất lớn tới nhiều lĩnh vực như: vận tải, logistics, hàng hóa tiêu dùng... từ đó tác động lạm phát. Các ngành chức năng cần sớm có các giải pháp về thuế để "hạ nhiệt" mức tăng của giá xăng như hiện nay, giúp doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.