Thông thường sau Tết Nguyên đán hàng năm, hầu hết các tàu cá ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu sẽ tiến hành "mở biển", đánh bắt đầu năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá cùng với đó thời tiết không thuận lợi, thiếu lao động trong những chuyến biển đầu năm khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ.
Ngư dân Thái Bá Hồng, chủ tàu cá ở xã Diễn Ngọc cho biết: Mỗi chuyến đi biển vùng lộng tiêu tốn khoảng 500 lít dầu. Trước đây, giá dầu 13.000 - 14.000 đồng/lít, chi phí bỏ ra khoảng 6 - 7 triệu đồng, giờ giá dầu lên 20.000 đồng/lít nên mỗi chuyến biển, riêng chi phí nhiên liệu đã lên đến 10 triệu đồng.
"Muốn không lỗ thì mỗi chuyến biển tàu của chúng tôi phải đánh bắt từ 2 tấn hải sản trở lên. Tuy nhiên lượng hải sản ngày càng cạn kiệt, khó đánh bắt nên mỗi chuyến ra khơi tôi và các bạn thuyền luôn thấp thỏm nỗi lo thua lỗ", ông Hồng cho hay.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Văn Hà cũng cho rằng, bước vào vụ cá năm nay, giá xăng dầu tăng gần gấp 2 lần trong khi giá thu mua hải sản vẫn đang ở mức thấp đã ảnh hưởng lớn đến việc vươn khơi của ngư dân. Bình quân mỗi chuyến biển từ 8 - 10 ngày tàu cá của ông tiêu tốn hơn 3.000 lít dầu, cộng với tiền đá lạnh, lương thực... chi phí cho mỗi chuyến biển khoảng 80 triệu đồng.
“Sản lượng đánh bắt cũng đang có dấu hiệu giảm sút, bình quân mỗi chuyến biển chỉ từ 1 - 1,5 tấn. Nếu giá thu mua của thương lái vẫn ở mức thấp như hiện nay thì sau khi trừ chi phí xăng dầu và các khoản khác hầu như không có lợi nhuận. Bên cạnh đó, thiếu lao động đi biển khiến việc ra khơi lại càng khó khăn hơn”, anh Hà chia sẻ.
Diễn Ngọc là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền nhiều nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu. Theo thường lệ, sau Tết Nguyên đán, nhiều tàu ra khơi đánh bắt đầu năm mang về nguồn hải sản phong phú, nhưng đến thời điểm này, hơn 90% tàu cá vẫn nằm bờ. Nhiều ngư dân cũng bày tỏ, ngoài tiền dầu chủ tàu còn phải bù vào các chi phí phát sinh khác như sửa chữa ngư cụ, khấu hao tàu thuyền, tiền công cho lao động.
Cũng do giá dầu tăng cao, thu không đủ bù chi nên nhiều tàu thuyền đã tạm nghỉ việc đánh bắt. Không ra khơi đánh bắt thì không có việc làm nhưng đi mà lỗ thì càng khó khăn, ngư dân mong muốn cơ quan có thẩm quyền có chính sách bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ vươn khơi phục hồi kinh tế sau thời gian dài lao đao vì dịch.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù việc hành nghề đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn nhưng địa phương vẫn khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển. Về phía huyện Diễn Châu cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên bà con ngư dân huy động mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để ngư dân yên tâm bám biển.
Ông Đậu Ngọc Long - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Diễn Châu phân tích, hiện có những khó khăn đối với bà con làm nghề đánh bắt ở địa phương. Đó là giá xăng dầu tăng quá cao, khan hiếm lực lượng lao động đi biển và nguồn lợi thuỷ sản dần cạn kiệt, trong khi giá hải sản không cao khiến mỗi chuyến biển lợi nhuận giảm. Vì những nguyên nhân trên khiến nhiều tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ chưa ra khơi được vì sợ thua lỗ.
Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, địa phương đã tăng cường thông báo tình hình thời tiết trên biển. Hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển; bám sát ngư trường, phát hiện ngư trường mới, tranh thủ thời điểm thời tiết thuận lợi để vươn khơi. Đồng thời, xây dựng phương án để kết nối sản phẩm khai thác của ngư dân với các cơ sở thu mua nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho ngư dân.
“Chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền ngư dân tân trang lại tàu thuyền, chuẩn bị các điều kiện cho chuyến vươn khơi khi thời tiết thuận lợi. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có chính sách bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ ngư dân vươn khơi”, ông Đậu Ngọc Long đề nghị.
Không chỉ tại huyện Diễn Châu, việc dầu tăng giá đã ảnh hưởng đến hầu hết đời sống ngư dân và hoạt động khai thác hải sản tại Nghệ An. Chi Cục Thủy sản tỉnh Nghệ An cho biết, hiện toàn tỉnh có 3.418 chiếc tàu cá với số lao động khai thác hải sản toàn tỉnh là 17.021 người; trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 8.779 người và hàng nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực hậu cần nghề cá. Đến tháng 2/2022, sản lượng khai thác thủy hải sản tại Nghệ An đạt 13.137,8 tấn.
“Hiện Chi cục Thủy sản Nghệ An đang đồng hành, hỗ trợ, động viên ngư dân tiếp tục bám biển, đồng thời triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh nắm bắt thời tiết dự báo ngư trường cho bà con, Chi cục còn hỗ trợ máy thông tin tầm xa, tời thủy lực cho nghề lái chụp”, ông Chu Quốc Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An khẳng định.
Kinh tế biển đóng vai trò mũi nhọn ở thị xã Hoàng Mai. Việc đình trệ khai thác và các dịch vụ hậu cần nghề cá đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân và sự phát triển của địa phương. Thị xã Hoàng Mai hiện có gần 1.000 tàu cá tập trung ở các xã phường Quỳnh Lập, Quỳnh Phương và Quỳnh Dị.
Mặc dù bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, giá xăng dầu tăng, thiếu nhân lực, giá thủy hải sản giảm nhưng đầu tháng 3/2022 bà con ngư dân đã đồng lòng, chung sức cùng chính quyền các địa phương vươn khơi, bám biển.