Người lao động tại xưởng chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Bianfishco, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không kịp cập nhật, thích ứng với những thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng nông sản của Hoa Kỳ, đó là nhận xét chung của các chuyên gia Hoa Kỳ trong Hội thảo Quốc tế về những yêu cầu mới trong tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản dành cho doanh nghiệp Mekong, diễn ra tại Cần Thơ gần đây.
Ông Herb Cochran, Cố vấn Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham VN) cho biết, hai điểm mấu chốt trong thay đổi quy định của Hoa Kỳ mà các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam cần lưu ý, đó là: Phía Mỹ không chỉ dừng lại ở kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, mà tiến tới kiểm tra hàng tận nơi xuất xứ, tức là kiểm soát cả quy trình; riêng đối với mặt hàng cá da trơn (Pangasius), từ ngày 1/9/2017, 100% các lô hàng đến cảng Mỹ sẽ bị kiểm tra bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thay vì kiểm tra xác suất như hiện nay. Sau khi được USDA dán nhãn chất lượng thì mặt hàng cá da trơn mới được nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Herb Cochran giải thích rõ hơn, đối với kiểm soát quy trình hàng nông sản, thực chất là sự thay đổi về mô hình quản lý của Hoa kỳ. Theo đó, biên giới không còn là hàng rào bảo vệ đầu tiên nữa, mà là điểm kiểm tra cuối cùng trong một chuỗi các biện pháp kiểm tra khác. Điều này xuất phát từ thực tế năm 2016, cứ 6 người Mỹ thì có 1 người bị ngộ độc thực phẩm. Trong 15% thực phẩm được nhập khẩu vào Mỹ, trái cây chiếm 50%, rau củ chiếm 20%, đặc biệt là nguồn từ các nước nhiệt đới. Chính vì thế, chính phủ Mỹ đã đề ra những yêu cầu quản lý chất lượng hàng nông sản khắt khe hơn, trong đó yêu cầu mặt hàng đó phải được FDA cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Đối với mặt hàng cá da trơn, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu cho rằng, những vấn đề nổi cộm khiến mặt hàng này gặp nhiều rào cản trong xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian qua nằm ở hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn của Việt Nam và Mỹ có nhiều khác biệt.
Theo đó, bắt đầu từ 1/9/2017, Hoa Kỳ sẽ áp dụng quy định về sự tương đồng tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn giữa các nước nhập khẩu và nước chủ nhà Hoa kỳ. Trong đó bao gồm giám định về chủng loại cá, dư lượng hóa chất có trong các lô hàng, thực tiễn sản xuất tốt (GMP), thực tiễn nông nghiệp tốt (GAP)…
Ông Nestor Scherbey cũng cho biết, phía Mỹ nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam về những khó khăn trong việc thực thi quy định “Tương đồng về tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn” của Mỹ, các doanh nghiệp cho rằng cần phải có sự hỗ trợ của FDA trong kiểm định chất lượng tại nước xuất khẩu thay vì phải xếp hàng tại cảng nhập khẩu để đợi kiểm định, vừa mất thời gian vừa phát sinh quá nhiều chi phí; cũng như phải có các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập (bên thứ 3) để đảm bảo tính công bằng, thay vì Mỹ vừa đá bóng vừa thổi còi, khi đề ra bộ tiêu chuẩn và tự kiểm định luôn.
Vì thế, FDA đã và đang mở rộng sự hiện diện toàn toàn cầu của mình thông qua hệ thống văn phòng tại nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Châu Á Thái Bình Dương… cũng như thúc đẩy hợp tác với các tổ chức kiểm định độc lập quốc tế để công nhận kết quả kiểm định của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng nông sản vào Mỹ.