Theo Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 29/2021/NĐ-CP đã kế thừa các quy định trước đó về giám sát và đánh giá đầu tư; thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời bảo đảm các thủ tục, nội dung giám sát và đánh giá đầu tư đơn giản, cụ thể, phù hợp với từng chủ thể, cơ quan quản lý nhà nước, loại dự án, nguồn vốn đầu tư nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư cũng như tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này.
Cụ thể, Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư; cách thức, trình tự thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư; báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư; hệ thống thông tin về giám sát đầu tư quốc gia; xử lý kết quả giám sát, đánh giá đầu tư; xử lý vi phạm trong giám sát và đánh giá đầu tư.
Cùng với đó, Nghị định đã giảm bớt số lượng báo cáo giám sát và đánh giá đối với một số chủ thể như: bỏ nội dung báo cáo về việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thành phần thuộc chương trình của chủ chương trình, chủ dự án thành phần; bỏ nội dung theo dõi, kiểm tra về tổng hợp tình hình thực hiện lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thành phần thuộc chương trình và quyết định điều chỉnh dự án thành phần thuộc chương trình của cơ quan chủ quản và người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình.
Nghị định cũng sửa đổi quy định “kiểm tra ít nhất 1 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện đầu tư trên 12 tháng” thành “kiểm tra ít nhất một lần đối với các dự án từ nhóm B trở lên”; bỏ quy định đánh giá ban đầu đối với chương trình đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công; bỏ quy định đánh giá tác động đối với dự án đầu tư ra nước ngoài.
Lãnh đạo Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc giảm thiểu các kỳ báo cáo, nhất là báo cáo bằng văn bản, thay thế bằng việc báo cáo qua hệ thống thông tin vừa bảo đảm đổi mới trong báo cáo, giám sát đầu tư, giảm thiểu thủ tục hành chính, vừa tăng cường công khai, minh bạch thông tin về dự án. Người dân có thể truy cập vào hệ thống thông tin để tra cứu về thực tiễn triển khai công trình, dự án… Điều này sẽ giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, tăng cường giám sát cộng đồng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư trên phạm vi cả nước. Hơn 5 năm qua, việc giám sát và đánh giá đầu tư cơ bản được cải thiện; trong đó điểm nổi bật là chính thức áp dụng Hệ thống thông tin trong giám sát, đánh giá đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP được đánh giá là chưa rõ ràng hoặc chưa hợp lý.
Ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đều cho rằng, cần rà soát, lược bớt các nội dung, chế độ báo cáo theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới, nâng cao vai trò giám sát, đánh giá đầu tư; minh bạch thông tin để tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư, giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong đầu tư công…