Nội dung của hội nghị tập trung vào công bố Báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai - xây dựng - môi trường: Một số kết quả từ khảo sát doanh nghiệp” được xây dựng từ kết quả phản hồi của 10.197 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.
Đơn giản nhiều thủ tục hành chính
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp nói về những vướng mắc đang gặp phải, những khó khăn đang đương đầu và cần giải pháp vượt thách thức để vươn lên phục hồi, phát triển. Đây cũng là cơ hội này tạo nên đột phá trong cải cách và đòn bảy để kích thích tinh thần vượt khó vươn lên trong cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hội nghị không phải là hoạt động mới và luôn được Bộ Xây dựng duy trì qua nhiều năm. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của ngành xây dựng... Với sự cầu thị, cởi mở và luôn lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng xác định: luôn đồng hành cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, VCCI, các hiệp hội và các địa phương... tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bằng những chính sách sát thực tiễn, dễ triển khai và đem lại những tác động tích cực. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã 3 lần triển khai các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.
Đây cũng là một trong các chỉ số mà Ngân hàng Thế giới chọn để đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của các quốc gia trên thế giới. Thông qua công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng đã thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ tới các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính khác trong đầu tư xây dựng. Đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh và một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Để có được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... ngành xây dựng nhận thức rằng, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng cũng cần phải cải cách, cắt giảm hơn nữa để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, song song vớ việc đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính đầu tư xây dựng để trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ cùng các cơ quan quản lý Nhà nước kiến nghị Chính phủ và đề xuất các giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.
Nhận diện những khó khăn
Đại diện Nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, qua đánh giá khảo sát, các doanh nghiệp đều phản ánh, còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các nội dung có liên quan. Tổng số đã có 10.197 doanh nghiệp tham gia khảo sát; trong đó, gồm: 8.633 doanh nghiệp dân doanh trong nước và 1.564 doanh nghiệp nước ngoài.
Kết quả tổng hợp ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy, 50% doanh nghiệp trả lời còn gặp trở ngại với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; hơn 40% gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, phê duyệt và 40,9% gặp khó khăn về quyết định chủ trương đầu tư....
Về thời gian trong cấp giấy phép xây dựng, ông Tuấn cho biết, một doanh nghiệp cần khoảng 3 lượt tới các cơ quan Nhà nước để hoàn tất việc xin cấp phép. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp là khoảng gần 24 ngày. Năm 2020, thời gian cần thiết để nhận được giấy phép xây dựng đã giảm hơn so với kết quả của năm 2019.
Ông Phạm Tấn Công nhận định, qua nghiên cứu, đánh giá và ghi nhận ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã tổng quát và nhận diện rõ ràng những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Phức tạp nhất là các thủ tục về đất đai, về giải phóng mặt bằng. Sau nữa là việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cuối cùng là thẩm định thiết kế xây dựng. Với nhiều vấn đề được đặt ra, báo cáo cũng xếp loại theo mức độ khó khăn từ thực tiễn của doanh nghiệp.
Báo cáo cũng đưa ra một góc nhìn cho thấy sự khác biệt giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) so sánh với doanh nghiệp tư nhân trong nước về cách chọn lựa địa điểm đầu tư, các quy định pháp lý và cách đối xử của chính quyền địa phương... Theo đó, mặc dù đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước việc nhận quyết định chủ trương đầu tư còn rất khó khăn nhưng đối với các doanh nghiệp FDI lại không phải vấn đề quá lớn.
Vấn đề thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thường hay chọn vào trong khu công nghiệp. Với những khoảng cách khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI được nêu trong báo cáo của nhóm nghiên cứu, chính là cơ sở để các đại biểu, các diễn giả và doanh nghiệp cùng thảo luận và đánh giá nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu, cải thiện chính sách và góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Nhiều dư địa cải cách
Trước thực trạng nói trên, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, còn nhiều dư địa cải cách trong lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các nội dung liên quan. Chính phủ, Bộ Xây dựng cần tiếp tục các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực có liên quan trong năm 2022. Theo đó, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng; lập các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý, các tình huống hay gặp phải và giải pháp xử lý.
Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính thông qua các cổng dịch vụ công trực tuyến; rà soát hệ thống pháp luật về đầu tư và các lĩnh vực có liên quan như phòng cháy, chữa cháy, đất đai, môi trường để tiếp tục cải cách theo hướng lồng ghép, tích hợp thành các nhóm thủ tục để giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; xây dựng kế hoạch thanh tra sát với thực tiễn về yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; đồng thời phát triển rộng rãi hình thức thanh toán trực tuyến cấp độ 4 cho thủ tục hành chính để giảm thiểu cơ hội phát sinh chi phí không chính thức và tệ nhũng nhiễu...
Song song đó, Bộ Xây dựng cũng cân nhắc việc thiết kế Bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện thủ tục hành chính đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường ở cấp tỉnh. Mục đích đặt ra là nhằm chỉ rõ những địa phương mà ở đó doanh nghiệp gặp thuận lợi hay khó khăn trong quá trình thực hiện nhóm thủ tục đầu tư xây dựng. Đồng thời, cung cấp thông tin cho chính quyền các tỉnh để lựa chọn giải pháp cải cách phù hợp; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư để dự liệu tiến trình thực hiện thủ tục tại mỗi địa phương và lựa chọn địa điểm đầu tư....