Tập trung cải thiện chính sách TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: “Kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn có tính bước ngoặt trong quá trình cải cách và phát triển. Thành tựu nhiều nhưng thách thức đang xuất hiện nhiều hơn. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tư duy lại, phải cải cách lại thể chế. Trong đó cải cách quan trọng nhất là thể chế. Cải cách thái độ ứng xử của các bộ, ngành với DN với quan điểm Chính phủ kiến tạo, xem DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Thực tế hiện nay đòi hỏi sự cải cách của các cơ quan của Chính phủ không chỉ là xóa bỏ rào cản mà còn là tạo điều kiện thúc đẩy DN phát triển”.
Tại Cục Thuế Hà Nội không còn tái diễn cảnh người nộp thuế chờ đợi nộp hồ sơ chen chúc dẫn đến ùn tắc, gây căng thẳng cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Báo cáo tình hình các bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 19 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổng hợp trình Chính phủ cũng đã cho thấy, nhiều chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh đã có mức độ cải thiện. Trong đó, riêng hai lĩnh vực là nộp thuế và nộp bảo hiểm xã hội được cộng đồng DN ghi nhận có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể trong lĩnh vực nộp thuế, việc áp dụng giao dịch điện tử, áp dụng cơ chế tự khai tự chịu trách nhiệm đã giúp giảm đáng kể thời gian cho DN và nâng cao tính thủ pháp luật của DN.
DN cũng đánh giá ngành thuế đã cập nhật kịp thời các quy định chính sách, thời gian nộp thuế đã rút ngắn. Đối với ngành BHXH, tại Hội nghị đối thoại giữa cơ quan bảo hiểm với DN tổ chức ngày 8/9/2016 tại TP Hồ Chí Minh, hơn 200 DN tham dự đánh giá cao nỗ lực cải cách TTHC của ngành bảo hiểm xã hội trong thời gian qua, như ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính. Điển hình như BHXH Hà Nội kết nối với bưu điện qua hệ thống phần mềm “một cửa điện tử”, đảm bảo thời gian nhận và trả kết quả nhanh nhất và an toàn; BHXH TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang... áp dụng chi trả bảo hiểm trực tiếp cho người lao động. Tính chung, thời gian nộp BHXH hiện đã giảm xuống còn 52 giờ, gần đạt mục tiêu của Nghị quyết 19 là 49 giờ.
Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng thể chế, pháp luật... như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chuẩn bị trình Quốc hội; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các bộ, ngành với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ khó khăn tại chỗ. Hai là phối hợp với các địa phương xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho DN. Đặc biệt, VCCI đã chú trọng tập hợp các vướng mắc, khó khăn của DN để kiến nghị đến các cơ quan hoạch định chính sách ban hành chính sách phù hợp thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành Tuy nhiên, trong khi ngành thuế và bảo hiểm có sự chuyển biến tích cực, được cộng đồng DN ghi nhận thì những lĩnh vực còn lại như cấp phép xây dựng, giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản DN, quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu... chuyển biến chậm chạp. Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với cộng đồng DN thời gian qua cho thấy, trong cấp phép xây dựng, thủ tục về phòng cháy chữa cháy vẫn đang gây phiền phức cho các DN. Các DN sản xuất hàng xuất nhập khẩu cho biết, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn gây khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí.
Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của các bộ, ngành, địa phương, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, Nghị quyết 19 yêu cầu 10 bộ, ngành rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng mới chỉ có rất ít bộ (gồm Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải) chủ động triển khai thực hiện.