Phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về đánh giá những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp trong năm 2016, được coi là Năm doanh nghiệp.

Ông nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ trong Năm doanh nghiệp 2016 này?


Sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, chủ trương và biện pháp mới được đề ra là phải xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, coi kinh tế tư nhân là động lực, coi doanh nghiệp là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngay khi Chính phủ mới được thành lập, Thủ tướng đã có cuộc gặp mặt các doanh nghiệp, với tư cách là giới chức xã hội đầu tiên vào dịp 30/4 và 1/5, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện đánh dấu sự đồng thuận, thống nhất trong việc thúc đẩy cải cách giai đoạn sau Đại hội Đảng, với tinh thần thần tốc và táo bạo nhằm thực hiện công cuộc đổi mới trong giai đoạn mới.

Cùng với thông điệp về Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng cũng ra nghị quyết đầu tiên về phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam - Nghị quyết 35/NQ-CP. Có thể nói, đây chính là nghị quyết đầu tiên về khởi nghiệp của Việt Nam và cũng là lần đầu tiên, trong nghị quyết của Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp, phấn đấu tới năm 2020 đất nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Làm sao để trong 4 năm đến 5 năm tới, số lượng doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Điều này có khả thi không? Tôi hiểu quyết định này của Thủ tướng dựa trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn.

Bởi, hiện nay, ta đã có 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Cả nước, cũng đã có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh với khoảng 1,8 triệu hộ có đăng ký. Nếu các chính sách mà chúng ta thúc đẩy tốt thì các hộ kinh doanh này có thể đăng ký dưới doanh nghiệp, và như vậy sẽ dễ dàng đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp. Thậm chí có thể sẽ đạt được cao hơn.

Cùng với Nghị quyết 35; Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng tiếp tục được triển khai trong năm 2016, trên nền tảng cũ và được thúc đẩy theo định hướng mới. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng cơ chế chính sách về thủ tục hành chính, đặc biệt là về thuế; khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp và VCCI cũng nắm vai trò chủ trì việc này.

Tôi tin rằng, với việc thay đổi chính sách chung và những biện pháp thúc đẩy khác nữa, sẽ không khó hiện thực hóa mục tiêu: tăng gấp đôi số doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 35 là xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Theo ông tư tưởng phục vụ DN trong nghị quyết đã được thể hiện như thế nào?

Chính phủ kiến tạo không phải là sáng kiến của Việt Nam, là khái niệm chung của thế giới. Thực ra, chúng ta phải theo con đường chung của thế giới để xây dựng Chính phủ theo hướng đó.

Tôi nghĩ mọi chính phủ của nền kinh tế hiện đại đều được xây dựng theo hướng chính phủ kiến tạo. Nếu chính phủ quản lý, chính phủ cai trị sẽ không có được nền kinh tế phát triển. Lần đầu tiên trong nghị quyết Chính phủ đã khẳng định rõ ràng sự thay đổi về quan điểm giữa Chính phủ và DN, giữa doanh nhân và công chức, thực sự trở thành bạn đồng hành, là đồng chí; chứ không phải người quản lý và người bị quản lý; không phải là quan hệ xin cho.

Qua gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19/NQ - CP của Chính phủ, thực tế đã ghi nhận được kết quả gì với cộng đồng DN, thưa ông?

Với nỗ lực phấn đấu trở thành 3 nền kinh tế có sức cạnh tranh về môi trường kinh doanh hàng đầu trong khu vực cùng với Singapore và Malaysia, thì sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là hết sức cần thiết, nhất là trong một số lĩnh vực như hải quan chẳng hạn.

Trong quá trình theo dõi đến nay, tôi thấy hầu hết các tỉnh đều có chương trình hành động theo Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 và áp dụng những mô hình mới, ví dụ như thành lập trung tâm hành chính công, cơ quan xúc tiến đầu tư theo quan niệm mới. Đây cũng là mô hình chung của các địa phương trên cả nước, đó là từ một cơ quan hành chính trở thành một trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Nhiều nơi cơ quan xúc tiến đầu tư đặt dưới sự chỉ đạo của hội đồng thúc đẩy đầu tư công, bí thư trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo, theo cách từ trên xuống.

Bây giờ khi các nhà đầu tư đến làm việc với tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh xem xét thấy phù hợp, yêu cầu cơ quan cấp dưới phải thực hiện các thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tiên. Tức là quyết định từ trên xuống không chờ dưới trình lên.

Trân trọng cảm ơn ông!
Thạch Huê
Đòn bẩy nâng sức doanh nghiệp
Đòn bẩy nâng sức doanh nghiệp

Sau 9 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 19 - 2016/NQ - CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), môi trường kinh doanh bước đầu được cải thiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN