Người dân mua thịt lợn tại các cửa hàng thịt sạch, bình ổn giá ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để ủng hộ người chăn nuôi. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, nhiều tháng qua, giá lợn liên tục giảm, người chăn nuôi thua lỗ nặng, điều này gây khó cho việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh phải đồng hành cùng người chăn nuôi; nếu không có vốn, ngành nuôi lợn có nguy cơ phá sản. Bên cạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục cho vay mới, khoanh nợ vay đối với các tổ chức, cá nhân nuôi lợn và các đại lý kinh doanh thức ăn gia súc.
Theo ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai (Ngân hàng Nông nghiệp Đồng Nai), đến thời điểm này, riêng dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn của Ngân hàng Nông nghiệp Đồng Nai là gần 1.337 tỷ đồng.
Khách hàng vay chăn nuôi lợn chủ yếu là cá nhân, gia đình và chủ trang trại. Thời điểm này cho vay nuôi lợn có những rủi ro do giá lợn xuống quá thấp, tuy nhiên, Ngân hàng Nông nghiệp Đồng Nai sẽ tiếp tục đơn giản thủ tục, đẩy mạnh cho vay; chỉ khi có vốn người dân mới có điều kiện tiếp tục chăn nuôi, vượt qua khó khăn.
Ngân hàng Nông nghiệp Đồng Nai hiện đang có 10.000 tỷ đồng, ngân hàng sẵn sàng giải ngân cho những khách hàng là người nuôi lợn với lãi suất 7%/năm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho thấy, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 12.000 khách hàng còn dư nợ trong lĩnh vực chăn nuôi lợn với số tiền gần 2.650 tỷ đồng. Dù cho vay lớn song nợ xấu trong cho vay chăn nuôi lợn chỉ hơn 42 tỷ đồng. Người chăn nuôi dù thua lỗ song vẫn có trách nhiệm với khoản vay, tích cực trả nợ.