Dân số hầu hết đều trẻ hơn và có tỷ lệ sinh cao hơn so với Mỹ và châu Âu đã giúp cho các quốc gia N-11 thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ và đang nổi lên từ bóng tối của BRIC. Đáng chú ý trong số này là sự phát triển vượt bậc của nhóm các "con hổ mới" ở châu Á, gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam và Myanmar.
Việt Nam đang nổi lên với tốc độ phát triển kinh tế nhanh ở châu Á. Ảnh: Internet. |
Theo mạng tin "economywatch.com" hôm cuối tuần, kết thúc năm 2012, các thị trường trên toàn cầu dường như được hưởng sự yên tĩnh hơn khi nguy cơ đổ vỡ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được loại trừ và Mỹ đã tránh được cái gọi là "vách đá tài chính", có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Tuy vậy, có một thực tế rằng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2013 chắc chắn sẽ không được sự dẫn dắt từ phương Tây hay bất kỳ một quốc gia nào trong Nhóm G8.
Trong năm 2011, tám nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC) và Nhóm MIST (Mexico, Indonesia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ) đã tạo ra gần 3.000 tỷ USD. Quy mô kết hợp của các nền kinh tế này hiện đã tương đương với nền kinh tế Mỹ, với tổng sản lượng hàng năm đạt mức 16.000 tỷ USD, khoảng 25% sản lượng kinh tế thế giới. Nếu nhóm 8 nền kinh tế này chỉ tăng trung bình khoảng 10%, họ sẽ có thể bổ sung thêm khoảng 1.500 tỷ USD vào GDP toàn cầu trong năm tới.
Tuy nhiên, "phép lạ" của các nền kinh tế thuộc BRIC, hiện đang nắm giữ một phần lớn dự trữ ngoại hối toàn cầu và chiếm gần một nửa dân số thế giới, có thể đã đến hồi kết. Các vấn đề của BRIC là việc họ có xu hướng thúc đẩy sự ảnh hưởng ngang tầm và có thể thay thế cho Nhóm G7, nhưng họ không nhận ra rằng số phận kinh tế của BRIC và G7 được đan xen lẫn nhau.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan tới châu Âu, nó sẽ không dừng lại ở đó. Các quốc gia BRIC sẽ bị suy yếu bởi bị mất thị trường xuất khẩu lớn, cũng như các nguồn tài chính và đầu tư. Hơn nữa, trong khi BRIC chiếm hơn 1/2 tăng trưởng toàn cầu trong vòng 4 năm qua, chỉ có Trung Quốc có đủ sức mạnh kinh tế để chuyển biến vai trò quốc tế của mình và giờ đây, Trung Quốc cũng chỉ mới tránh được một cuộc suy thoái. Ba quốc gia còn lại đã phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế khác nhau, từ lạm phát đến việc thiếu hụt đầu tư nước ngoài và một sự bất ổn trong thị trường lao động.
Những hy vọng rằng các nước BRIC sẽ giúp đỡ lẫn nhau thông qua thương mại, đầu tư và hỗ trợ chính trị cũng đã không được như ý muốn. Các nhà quan sát nói rằng nhóm BRIC hành động giống như các đối thủ chứ không phải là đồng minh và sự thiếu gắn kết đã làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của họ.
Thuật ngữ N-11 do Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và chuyên gia kinh tế Jim O'Neill đặt tên, ám chỉ 11 thị trường mới nổi tiếp theo ra đời như một cách để giúp các nhà đầu tư quan tâm chú ý hơn đến các nền kinh tế đang phát triển khác ngoài các quốc gia BRIC. N-11 bao gồm: Bangladesh, Ai Cập, Mexico, Indonesia, Iran, Nigeria, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam. Trong năm 2012, N-11 đã có nhịp độ tăng trưởng 12%, vượt qua mức tăng 1,5% của nhóm BRIC.
Đối với một đất nước bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng và rất ít được biết đến về những thành tựu kinh tế trong những năm trước đây, Việt Nam đang nổi lên, với tốc độ phát triển nhanh hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đã lên đến 5,3%.
Tiềm năng tăng trưởng vẫn đang tiếp tục, thậm chí trong các cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á trong những năm 1990 và gần đây là suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được một nền kinh tế ổn định, với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc (trung bình 7% từ năm 2005-2010), nhanh hơn đáng kể so với nhiều nền kinh tế châu Á khác. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo Việt Nam tiếp tục đạt nhịp độ tăng trưởng 6% năm 2013.
Tốc độ phát triển của nền kinh tế Indonesia và Philippines còn ngoạn mục hơn, với thu nhập tăng mạnh, nhất là khi cả hai nước này đều có một lực lượng lao động lớn và trẻ, một tầng lớp trung lưu đang mở rộng và ổn định. Chính sách của chính phủ hai nước đã thu hút và tạo được niềm tin lớn cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, họ cũng có một hệ thống tài chính-ngân hàng mạnh mẽ. Trong một khu vực kinh tế sôi động ở Đông Nam Á, Indonesia và Philippines đang nổi lên với các tiềm năng sẽ để lại một dấu ấn lớn về tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm tới.
Sau khi quan hệ ngoại giao của Myanmar được nâng cấp và việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đã giúp cho nước này thu hút mạnh mẽ các dòng viện trợ và đầu tư nước ngoài. Có thể nói không một quốc gia nào tại Đông Nam Á có tiềm năng tăng trưởng lớn như Myanmar trong giai đoạn hiện nay. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường mới mẻ của Myanmar sau một thời gian dài bị cô lập. Họ đã nhìn thấy các cơ hội lớn từ lĩnh vực nguyên liệu của Myanmar, đặc biệt là đá quý, gỗ, cao su và khí đốt cùng với các loại hình dịch vụ phong phú từ y tế đến viễn thông dành cho hơn 55 triệu dân của quốc gia này.
Có thể nói sau khi "phép lạ" của các nền kinh tế thuộc BRIC bước vào hồi kết, tương lai của nền kinh tế toàn cầu sẽ phải nhờ cậy vào nhóm N-11, trong đó phải kể đến những "con hổ mới" ở châu Á.
Thanh Hải