Ngày 20/9 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) đã mở ngân hàng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (NDT) đầu tiên trên đất Mỹ, đặt tại thành phố New York, với tổng tài sản là hơn 50 tỷ USD, tương đương một quý trao đổi thương mại song phương Trung-Mỹ. Trong một phát biểu được tờ Thời báo Tài chính (Anh) dẫn lời, chuyên gia Ming Ming, người đứng đầu bộ phận điều tra thu nhập cố định của Công ty Chứng khoán Citic, từng có thời gian làm việc tại PBoC trong lĩnh vực quốc tế hóa đồng NDT cho biết việc Trung Quốc thiếu cơ chế thanh toán bằng đồng NDT tại Mỹ, một trung tâm tài chính toàn cầu, là lỗ hổng lớn trong tiến trình quốc tế hóa đồng NDT. Do vậy, quyết định thiết lập ngân hàng thanh toán bằng đồng NDT ở New York có nghĩa cái khung toàn cầu (cho việc quốc tế hóa đồng NDT) về cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh tài chính, đài VOA của Mỹ cho rằng không có lý do gì để thiết lập ngân hàng thành toán bằng đồng NDT ở Mỹ vì ngay tại thị trường Mỹ cũng có thể dễ dàng đặt lệnh thanh toán bằng đồng NDT ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo nhà nghiên cứu cao cấp Jacob Kirnegaard thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) có trụ sở tại Washington, có thể nói động thái nêu trên của Trung Quốc là nhằm thách thức trực diện đồng USD ngay trên mảnh đất sản sinh ra nó thông qua việc tiến vào thị trường tài chính Mỹ bằng hoạt động cung cấp dịch vụ đồng NDT. Và nếu cộng thêm việc tỉ giá đồng NDT chứa đựng tính chính trị mạnh mẽ, thậm chí có thể đại diện cho sự tự tin của nền kinh tế Trung Quốc thì hành động thiết lập ngân hàng thanh toán bằng đồng NDT ở New York phần nhiều là bắn đi tín hiệu chính trị hơn là xuất phát từ nguyên nhân kinh tế.
Đài VOA cho biết thêm sau nhiều năm nỗ lực, Trung Quốc đã ký được hơn 20 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, mang tới hình tượng của một đồng tiền quốc tế cho đồng NDT. Nhưng có thể chỉ vài hôm sau khi đồng NDT gia nhập rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 1/10 tới, các quan chức Trung Quốc sẽ không còn được nâng cốc chúc mừng nữa. Trợ lý Giáo sư Christopher Balding thuộc Trường Kinh doanh HSBC, Đại học Bắc Kinh cho rằng mỗi tháng Trung Quốc phải bỏ ra 50 tỷ USD để ngăn chặn đồng NDT mất giá. Nói cách khác, Trung Quốc đang bán đồng USD trong kho dự trữ của mình để mua đồng NDT trên thị trường quốc tế.
Chuyên gia Balding nhận định: “Nếu họ (quan chức Trung Quốc) lên đài truyền hình trung ương tuyên bố rằng họ sẽ hoàn toàn để thị trường quyết định giá trị đồng NDT thì tôi không cho rằng đồng NDT lập tức mất giá 15% - 20% là một sự cường điệu”. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Balding, đầu tư bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc đã giảm 40%. Nếu cộng thêm việc dòng vốn tiếp tục chảy khỏi Trung Quốc, áp lực đối với đồng NDT rất lớn. Việc Trung Quốc mua đồng NDT trên thị trường quốc tế trên thực tế đi ngược lại tiến trình quốc tế hóa đồng NDT. “Nếu (đồng NDT) phá giá với tốc độ như hiện nay, khoảng 18 tháng sau, bên ngoài Trung Quốc sẽ không còn có đồng NDT nữa”, ông Balding nhấn mạnh.