Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị tỉnh Đồng Tháp thực hiện nâng công suất khai thác cát áp dụng cơ chế đặc thù, căn cứ theo các nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, việc khai thác cát phải đảm bảo an toàn sản xuất, giữ gìn môi trường, an toàn giao thông đường thủy.
Trong quá trình khai thác cát, cần quan trắc môi trường thường xuyên, nếu phát hiện gây ra sạt lở bờ sông thì dừng khai thác ngay. Đồng thời, cần kiểm soát tốt việc tăng trữ lượng khai thác cát, đảm bảo cát ưu tiên phục vụ công trình phục hồi kinh tế, các dự án trọng điểm; không được lạm dụng việc tăng trữ lượng khai thác, bán cát tràn lan ra bên ngoài.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tổng số giấy phép khai thác khoáng sản hiện nay trên địa bàn tỉnh là 14 giấy phép (có thời hạn đến hết ngày 30/6/2023), với tổng khối lượng cát được khai thác 6 tháng đầu năm 2023 là hơn 972.500 m3. Tổng trữ lượng cát được phê duyệt còn lại của 14 giấy phép đang khai thác hiện nay là 25,18 triệu m3. Sau ngày 30/6/2023, trữ lượng cát được phê duyệt này sẽ giảm còn 21,59 triệu m3. Tổng công suất cho phép khai thác cát của 14 giấy phép là 5,655 triệu m3/năm.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đánh giá, hiện tại, nhu cầu cung ứng cát cho các công trình trong tỉnh và các tuyến cao tốc của Trung ương tăng đột biến so với nhu cầu của những năm trước, trong khi nguồn khai thác cát có hạn. Ngoài ra, địa phương còn một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình rà soát thủ tục các mỏ cát đang khai thác, mỏ cát đang thực hiện thủ tục và mỏ đã tạm ngừng khai thác; còn lúng túng về việc áp dụng cơ chế đặc thù để nâng công suất khai thác cát đảm bảo đúng quy định.
Năm 2023, nhu cầu về cát của tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,9 triệu m3 (chưa kể cung ứng cho cao tốc ngoài tỉnh). Tuy nhiên, Đồng Tháp đang cố gắng cung cấp cát cho công trình cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh với 6,6 triệu m3 (riêng năm 2023 là 0,7 triệu m3); cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau là 7 triệu m3 (riêng năm 2023 là 3,3 triệu m3).
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh đã cung cấp cho công trình xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau được 1,9 triệu m3 cát. UBND tỉnh Đồng Tháp đang rà soát một số mỏ cát để tính toán, cung ứng đủ 5,1 triệu m3 cát còn lại cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau theo yêu cầu của Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Đồng Tháp trong việc cung ứng cát cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thi công những tuyến đường cao tốc đang triển khai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, để xây dựng đường cao tốc thì nhu cầu cát sông hết sức cấp bách. Việc dùng cát biển để thay thế cát sông phục vụ trong san lấp mặt đường chưa được sử dụng rộng rãi nên nguồn cát sông vẫn là chủ yếu.