Tham dự có nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo tỉnh Long An cùng đại diện các đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh.
Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài giai đoạn 1 gần 76km đi qua TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 8 dự án thành phần; trong đó Long An được giao làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 7 là dự án thi công xây dựng có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; Dự án thành phần 8 là dự án giải phóng mặt bằng có tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An có chiều dài 6,84Km, điểm đầu tại ranh TP Hồ Chí Minh Long An - Long An; điểm cuối tại nút giao giữa đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đi qua địa bàn huyện Bến Lức. Quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, mặt cắt ngang 19,75m, được thiết kế đường cao tốc vận tốc V=100 Km/h và đường song hành (đường đô thị) vận tốc 60Km/h, mỗi bên 2 làn xe.
Theo chủ đầu tư dự án là Sở Giao thông Vận tải Long An, đến nay đơn vị đã hoàn thành các thủ tục đầu tư: phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán; lựa chọn và ký kết hợp đồng với các nhà thầu thi công; ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình; thực hiện hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ; bàn giao tim, mốc và mặt bằng (đạt gần 97% diện tích) cho các nhà thầu thi công.
Chủ đầu tư cam kết sẽ cùng các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát làm hết sức mình để đảm bảo dự án được thực hiện với chất lượng tốt nhất, khối lượng, chi phí hợp lý và chậm nhất đến tháng 10/2025 cơ bản thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc và hoàn thành đưa vào sử dụng toàn dự án trong năm 2026.
Phát biểu tại lễ động thổ, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho rằng, khởi công xây dựng đường Vành đai 3 là sự kiện trọng đại có ý nghĩa vô cùng to lớn, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Việc xây dựng hoàn thành đường sẽ kết nối các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại, bền vững; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, để dự án được thực hiện thành công, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị huyện Bến Lức tiếp tục tập trung thực hiện các khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho bà con nhân dân phải thực sự hợp lý, thỏa đáng và nhanh nhất có thể.
Đối với đơn vị chủ đầu tư dự án cần phải bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật. Đối với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần huy động thiết bị hiện đại nhất, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện dự án; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng; kịp thời đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.