Ngày 4/1, các nhà kinh tế của LHQ và quốc tế đã xác nhận sự ổn định dài hạn của đồng USD bất chấp các máy in tiền của Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hoạt động hết công suất trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tung ra thị trường thế giới 2,3 ngàn tỷ USD lạm phát.
Ảnh minh họa, nguồn Internet |
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận đồng USD đã tăng giá 13% so với giá trị thấp kỷ lục của đồng tiền này năm 2008 mặc dù FED tiếp tục giữ mức lãi suất 0% . Giá trị đồng USD hầu như không thay đổi kể từ năm 1991. Sự ổn định dài hạn của đồng USD đã lý giải rõ ràng sự hấp dẫn của các tài sản Mỹ như các trái phiếu kho bạc, các chứng thư tài chính Mỹ… đối với các chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế ngay cả khi nền kinh tế Mỹ và toàn cầu khủng hoảng. Chính phủ Mỹ đã thu hút được nguồn tài chính khổng lồ từ nước ngoài để tài trợ cho thiếu hụt ngân sách vượt quá 1.000 tỷ USD hàng năm liên tục trong 4 năm tài chính vừa qua.
Achim Walde, Giám đốc khu vực thu nhập và tiền tệ toàn cầu của Ngân hàng Deutsche Bank AG của Đức nhấn mạnh vai trò là nơi ẩn náu an toàn các tài sản toàn cầu của đồng USD vẫn sống động.Đồng tiền này sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2012. Các chỉ số của USD so với các đồng tiền euro, yên Nhật Bản, bảng Anh, franc Thuỵ Sĩ, đôla Canađa và krona Thuỵ Điển trên Thị trường chứng khoán liên lục địa đã tăng 1,46% trong năm 2011 sau khi đã tăng 1,5% trong năm 2010, lặp lại kỷ lục tăng 2 năm liên tục của năm 2000 - 2001.
Theo số liệu của IMF, tỷ lệ đồng USD trong quý 3/2011 trong tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu tăng cao nhất kể từ năm 2008 và đạt mức 61,7% trong khi tỷ lệ đồng ơ rô chỉ chiếm 25,7%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Manoj Ladwa, cố vấn cấp cao của thị trường vốn ETX cung cấp các dịch vụ trao đổi tiền tệ ở Luân Đôn, dự báo đồng USD tiếp tục tăng giá và hấp dẫn toàn thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) tại Basel (Thuỵ Sĩ), đồng USD vẫn chiếm tới 85% trong tổng giao dịch tiền tệ trị giá 4.000 tỷ USD hàng ngày trên các thị trường ngoại tệ toàn cầu. Arkady Dvorkovich, cố vấn kinh tế cao cấp của tổng thống Nga cho biết Nga không những không giảm tỷ lệ dự trữ đồng USD trong dự trữ ngoại tệ của Nga mà còn tăng từ tỷ lệ 45,3% từ 3 tháng trước đây lên tỷ lệ 45,4% hiện nay.
Tuy nhiên, các số liệu của Thị trường chứng khoán liên lục địa cũng ghi nhận đồng USD đã mất giá 34% so với thời kỳ đỉnh cao năm 1985 khi Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế lớn nhất thế giới thoả thuận làm suy yếu đồng USD để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai của các nền kinh tế này với Mỹ. Mặc dù tỷ lệ đồng USD chiếm 61,7% trong hơn 10 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ toàn cầu hiện nay nhưng như vậy cũng đã giảm mạnh so với tỷ lệ đỉnh cao 72,7% năm 2001. Nhiều nước vẫn đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD. Nhật Bản và Trung Quốc mới đây đã thoả thuận cùng thúc đẩy giao dịch trực tiếp giữa các công ty 2 nước bằng đồng yên Nhật Bản và đồng nhân dân tệ Trung Quốc đồng thời khuyến khích phát triển thị trường hối đoái giữa đồng yên và nhân dân tệ để thanh toán giữa các công ty 2 nước.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)