Đồng vốn nghĩa tình trên các vùng quê núi Ấn sông Trà

Như mùa xuân mang đến sự sinh sôi nảy nở trên các cánh đồng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở tỉnh Quảng Ngãi đã trợ giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vươn lên từ những vùng đất còn nhiều khó khăn.

Gieo mầm xanh trên đảo

Chú thích ảnh
Những chuyến tàu chở hoa Tết ra đảo Lý Sơn.

Theo những chuyến tàu chở hàng Tết ra huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi đến với miền quê của hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đặt dấu ấn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc từ xa xưa trên Biển Đông. Đảo Lý Sơn mùa này ngút ngàn màu xanh của những cánh đồng tỏi chuẩn bị thu hoạch. Đến bữa, người dân đảo còn tiếp đãi khách món tỏi non xào mang vị ngọt đậm đà đặc trưng mà chỉ dịp Tết mới có.

Vừa vận hành hệ thống tưới bán tự động trên cánh đồng thôn Tây, xã An Hải, thương binh hạng 2/4 Dương Văn Nhiều (ông bị mất cánh tay phải) vừa giới thiệu với chúng tôi cách thức mà 8 hộ dân có liền thửa hợp tác với nhau để đầu tư chung đường điện, giếng khoan và hệ thống bơm nước. Nhà ông Nhiều có 4 sào (mỗi sào bằng 550 m2), mỗi năm ông trồng được 1 vụ tỏi và 3 vụ hành, từ chi phí thì thu lãi cũng trên 100 triệu đồng.

Nhưng nhớ lại hơn chục năm trước, ông Nhiều còn thuộc diện hộ nghèo với đủ nghề mưu sinh. Nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lý Sơn, ông Nhiều mới có điều kiện đầu tư cải tạo đất để trồng hành, tỏi. Giai đoạn đó, cả 4 người con của ông Nhiều lần lượt vào đại học, cao đẳng nên kinh tế gia đình rất eo hẹp. Gia đình ông lại được NHCSXH cho vay vốn theo chương trình dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã trợ lực giúp gia đình ông Nhiều vượt qua khó khăn, dần vươn lên thành hộ nông dân sản xuất giỏi của xã. Đến nay các con ông đều ra trường, có việc làm ổn định. Ông Nhiều đã trả hết vốn dành cho hộ nghèo và chuyển sang vay vốn giải quyết việc làm và hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn. Ông khẳng định: “Nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng, lại không cần tài sản thế chấp nên đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều”.

Cũng như ông Nhiều, gia đình ông Dương Văn Hợp ở thôn Đông, xã An Vĩnh, lần lượt được vay vốn từ NHCSXH theo chương trình dành cho hộ nghèo để mua sắm ngư lưới cụ đi biển, các con đi học được vay vốn dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay thì hộ ông Hợp đã thoát nghèo trở nên khá giả, xây nhà khang trang. Khi du lịch trên đảo phát triển, ông Hợp dành 3 phòng để kinh doanh dịch vụ nghỉ homestay.

Trên vũng neo thuyền xã An Hải, ông Trần Thiện có 24 ô nuôi cá lồng bè. Cách đây 3 năm, nhận thấy tiềm năng của nghề nuôi cá lồng bè trên biển, ông Thiện mới chuyển đổi nghề và đầu tư với chi phí khoảng 20 triệu đồng/ô. Nguồn vốn ưu đãi 50 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm đã tiếp sức cho ông Thiện thực hiện dự định của mình. Hiện tại, ông Thiện thu lãi từ các bè cá khoảng 300 triệu đồng/năm.

Chú thích ảnh
Ông Trần Thiện (giữa) giới thiệu cách cho cá ăn với cán bộ NHCSXH.

Ông Trần Văn Nam, Phó giám đốc phụ trách Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lý Sơn cho biết, tổng dư nợ vốn chính sách trên huyện đảo đến hết năm 2019 đạt trên 94 tỷ đồng với 2.087 hộ vay. Chất lượng tín dụng rất tốt khi nợ quá hạn là 0%. Điều đó minh chứng cho chính sách tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả trên huyện đảo. Chỉ tính trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ở huyện đảo Lý Sơn, nguồn vốn ưu đãi đã giúp 816 hộ thoát nghèo; 1.376 học sinh, sinh viên vay vốn đi học; tạo việc làm cho 1.651 lao động; xây dựng 4.150 công trình nước sạch và vệ sinh; xây 322 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…

Đồng hành với đồng bào miền núi

Ngược lên huyện miền núi Trà Bồng, những cánh rừng keo xanh tốt ở hai bên đường đã gần như không để một khoảng đất trống đồi núi trọc nào. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trà Bồng là căn cứ địa đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi ngày 28/8/1959 là một trong những cuộc đồng khởi nổi bật nhất ở miền Nam Việt Nam thời ấy, đánh dấu giai đoạn lịch sử cách mạng quan trọng từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi. Quân và dân Trà Bồng, quân và dân các xã Trà Sơn, Trà Tân, Trà Bùi, Trà Lâm, Trà Hiệp đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng bào dân tộc Kor ở Trà Bồng mới có điều kiện để thay đổi tập quán sản xuất cũ. Tuy vậy, do địa hình tự nhiên chia cắt, khí hậu khắc nghiệt nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trà Bồng còn khá cao. Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH trở thành bệ đỡ giúp đồng bào vươn lên và là nguồn tín dụng lớn nhất trên địa bàn huyện miền núi này. Như hộ gia đình ông Hồ Văn Sang, dân tộc Kor, ở thôn Sơn Bàn, xã Sơn Trà, được NHCSXH cho vay vốn theo chương trình dành cho hộ nghèo để mua 1 con bò từ năm 2011. Con bò sinh sản giúp ông Sang có vốn đầu tư trồng 2 ha keo. Đón Tết năm mới của đồng bào Kor diễn ra vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, ông Sang thu hoạch 1 đợt keo lãi 20 triệu đồng. Còn đàn bò đã tăng lên 4 con. Gia đình ông đã vượt qua ngưỡng nghèo và tiếp tục được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ cận nghèo.

Ở gần đó, ông Hồ Văn Quang, là anh ruột của ông Sang, cũng được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi. Đến nay, ông Quang còn dư nợ 30 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ nghèo nhưng tài sản của gia đình cũng đã có 4 con bò và 2 ha keo. Ông Quang khoe “từ vốn vay chính sách mà ra cả”. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Sơn, ông Hồ Ngọc Tiến cho biết, hội đang quản lý 18 tỷ đồng ủy thác của NHCSXH huyện. Các hộ vay trồng keo sau 4-5 năm có thể thu lãi ít nhất là 70 triệu đồng/ha. Mỗi năm, Hội Nông dân thường tổ chức 2 lớp tập huấn trồng keo và nuôi bò để giúp các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng hiệu quả.

Chú thích ảnh
Hai anh em ông Hồ Văn Quang (phải) và Hồ Văn Sang phát quang rừng keo.

Tính đến ngày 31/12/2019, dư nợ vốn chính sách trên toàn huyện Trà Bồng đạt 233,5 tỷ đồng với 5.6 hộ vay, đặc biệt dù là huyện miền núi khó khăn nhưng không có nợ quá hạn. Riêng năm 2019, vốn chính sách đã góp phần giúp 607 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 447 lao động, xây mới 92 ngôi nhà cho hộ nghèo, xây mới 484 công trình nước sạch và vệ sinh giúp nâng cao chất lượng sống…

Ông Trần Duy Cường, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tổng dư nợ trên toàn tỉnh đến nay đạt 3.400 tỷ đồng. Năm 2020, chi nhánh phấn đấu tăng trưởng khoảng 300 tỷ đồng, đảm bảo tất cả hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu sẽ được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi kịp thời.

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn từ NHCSXH ở tỉnh Quảng Ngãi đã giúp gần 55.000 hộ thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,73% (năm 2014) đến nay còn 7,79% và có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài và ảnh: Nguyên Khôi
Gỡ vướng vốn tín dụng cho doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long
Gỡ vướng vốn tín dụng cho doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng nợ quá hạn. Ngân hàng Nhà nước dự kiến áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN