Từ khi Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng Chính sách xã hội” (Chỉ thị 40) ra đời, trong 5 năm qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh An Giang đã triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh An Giang.
Theo đó, doanh số cho vay trong 5 năm đạt 3.456 tỷ đồng, với gần 187.000 lượt khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 354.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Từ đó, góp phần giúp cho hơn 39.200 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho gần 9.500 lao động tại địa phương, trang trải chi phí xuất khẩu lao động của 302 đối tượng; giúp trang trải chi phí học tập cho gần 45.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường nghề.
Trong 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp gần 4.400 hộ tại An Giang tiếp cận vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở, đã giải ngân cho gần 57.000 hộ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn. Nguồn vốn cũng giúp cho hơn 11.100 hộ dân tộc thiểu số với số tiền 164 tỷ đồng, giúp đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện.... Qua đó, đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.
Ông Tô Văn Hoảnh Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh An Giang cho biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, hạn chế tình trạng học sinh sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính. Nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn…
“Với vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Hoảnh nói.
Tuy nhiên, theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh An Giang, hiện việc tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người dân còn chưa thường xuyên. Việc phối hợp giữa khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật với vay vốn chưa thật sự chặt chẽ; chưa có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện tự nhiên và xu hướng thị trường nên ở một số nơi hiệu quả đầu tư tín dụng còn thấp...
Để Chỉ thị số 40 tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh An Giang cho biết, chi nhánh sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh tăng cường tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phối hợp với các ngành để hướng dẫn khuyến nông gắn với vay vốn; đồng thời, phổ biến mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả; các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Hưng cho biết, thời gian tới, ngân hàng sẽ bám sát các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để xin Trung ương bổ sung thêm các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hoạt động giao dịch lưu động tại xã để phục vụ tốt nhất cho người dân. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh bổ sung các nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội để góp cùng nguồn vốn Trung ương cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững.