Dự án cao tốc Bắc-Nam: Bám tiến độ từng ngày, từng tuần

Dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương đẩy nhanh thi công, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng, quản lý giá nguyên vật liệu.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật.

Thứ trưởng có thể đánh giá tổng thể về tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam hiện nay?

Đến thời điểm này, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã giải phóng mặt bằng khoảng 98%. Hiện chỉ còn lại 2% khối lượng, đây là con số rất nhỏ so với tổng thể về giải phóng mặt bằng đã giải quyết trong thời gian qua. Tuy nhiên không vì thế mà các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải chủ quan, lơ là. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là vẫn bám sát tiến độ từng ngày, từng tuần.

Theo báo cáo của các Ban quản lý dự án, con số còn lại về giải phóng mặt bằng 2% chủ yếu là kết cấu hạ tầng đường điện và tái định cư. Riêng hệ thống kết cấu đường điện muốn di dời phải theo quy định của pháp luật và theo những quy định, kế hoạch riêng của ngành điện, vì không thể cắt điện lúc nào cũng được, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp. Ví dụ như phải xây dựng hoàn thiện đường điện mới, đóng xong thì mới tính đến việc di dời hệ thống điện trong dự án.

Riêng về tái định cư, theo quy định của pháp luật hiện hành mà cụ thể là Luật Đất đai cũng như Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng tái định cơ ở nơi mới theo quy định phải tốt hơn nơi ở cũ.

Bên cạnh đó, phải áp dụng các tiêu chí của xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng phải hoàn thiện đầy đủ (đường điện, đường nước và kết cấu đường giao thông đầy đủ) mới tiến hành việc di dời, chuyển các hộ dân trong vùng giải phóng mặt bằng về nơi ở mới.

Chính vì những lý do này, chính quyền địa phương và các Ban quản lý dự án đang làm việc khẩn trương, tích cực để sớm hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại. Với 98% khối lượng về giải phóng mặt bằng đã hoàn thành thì đã đủ công địa để các nhà thầu đẩy mạnh thi công trong trong thời gian tới.

Có thông tin cho rằng, giá nguyên vật liệu phục vụ cho dự án tại một số địa phương rục rịch tăng, điều này có thể làm tăng tổng mức đầu tư. Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải có quan điểm giải quyết thế nào, thưa Thứ trưởng?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc quản lý giá nguyên vật liệu; trong đó có vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Bộ Giao thông Vận tải không quản lý lĩnh vực này. Trong nghiên cứu khả thi (F/S) của toàn thể cao tốc Bắc – Nam phía Đông mà Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng thì giá nguyên vật liệu do địa phương trình lên, do đó, địa phương phải tuân thủ việc này.

Nếu địa phương nào giá nguyên vật liệu tăng giá, qua đó làm tăng tổng mức đầu tư thì chính quyền địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm. Trong xây dựng về suất đầu tư của cao tốc Bắc – Nam, riêng phần giá nguyên vật liệu được cho phép biên độ tăng, giảm 5%. Quy định này hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, do thị trường điểu chỉnh. Ví dụ như giá xăng, dầu tăng giảm chẳn hạn. Địa phương phải quản lý việc này để làm sao bình ổn giá trong địa phương mình quản lý. Trong trường hợp địa phương không bình ổn được giá thì phải chịu trách nhiệm.

Hiện nay, dự án cao tốc  Bắc - Nam có hai dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư phải hủy thẩu và tìm nguồn đầu tư khác. Vậy hai dự án này bị chậm có ảnh hưởng chung đến toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam hay không, thưa Thứ trưởng?

Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam không lựa chọn được nhà đầu tư.

Cụ thể, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu theo hình thức PPP (hợp tác công tư) không tìm được nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Hai dự án này chuyển sang đầu tư công hay hình thức đầu tư khác đều thuộc thẩm quyền của Ủy Ban thường vụ Quốc hội.

Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết.

Trong trường hợp nếu quyết định sớm trong năm nay và đầu năm 2021 với những chuẩn bị của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Quang Toàn  (TTXVN)
 Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc-Nam
Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc-Nam

Với 91,72% đại biểu có mặt tán thành, sáng 19/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN