Chuyên gia phân tích lĩnh vực dầu mỏ của hãng Energy Aspects (Anh) Amrita Sen nhận định rủi ro về giá cả sẽ hiện hữu trong quý IV, khi mặt hàng "vàng đen" tăng đến 80 USD và thậm chí 90 USD/thùng trước viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ từ Iran.
Cùng chung quan điểm, nhà phân tích John Kilduff của hãng Again Capital cho rằng giá dầu không thể giảm vào cuối năm nay.
Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran có thể đẩy giá dầu đạt mức 90 USD/thùng vào cuối năm nay, hoặc muộn nhất là đầu năm sau, do nguồn cung dầu thiếu hụt trong khi các nước trong khu vực như Saudi Arabia dường như chưa sẵn sàng bù đắp lượng dầu xuất khẩu của Iran.
Có ý kiến còn cho rằng giá dầu thậm chí sẽ còn lên tới 100 USD/thùng, đồng thời cảnh báo không nên đặt nhiều kỳ vọng vào Saudi Arabia, nước được cho là sẽ giúp bình ổn giá dầu thế giới. Điều này phù hợp với những dự báo từng được đưa ra trước đó về giá dầu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố Quốc vương Saudi Arabia Salman đã nhất trí với đề nghị của ông và sẽ sớm tăng sản lượng dầu tới 2 triệu thùng/ngày để bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt từ Iran khi lệnh trừng phạt Tehran có hiệu lực.
Tuy nhiên, số liệu thống kê mới đây cho thấy sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng 7 vừa qua đã giảm khoảng 200.000 thùng/ngày so với tháng trước đó. Diễn biến này khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi tại sao Saudi Arabia chưa sẵn sàng giúp bình ổn giá dầu trong khi Riyadh có dư năng lực sản xuất cũng như trữ lượng dầu mỏ.
Nhà phân tích John Kilduff cho rằng nếu không có lượng dầu bổ sung của Saudi Arabia, sẽ rất khó để đạt được sản lượng dầu cung cấp ra thị trường như mong đợi, cùng với mức giá rẻ hơn vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng nhận định Iran vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ, sẽ chỉ có thể trông đợi các khách hàng, đối tác truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ mới hy vọng có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Washington. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn đang cân nhắc các bước đi tiếp theo liên quan việc nhập khẩu dầu của Iran.
Iran hiện đứng thứ 4 thế giới về trữ lượng dầu mỏ và đang kiểm soát Eo biển Hormuz - tuyến vận tải mỗi ngày khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới.
Mỹ lên kế hoạch áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai đối với Iran từ ngày 5/11 tới nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran.
Chính quyền Washington cũng cảnh báo các nước không ngừng mua dầu của Iran sẽ đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt từ đầu tháng 11 tới, đồng thời gia tăng áp lực đối với các đồng minh châu Âu để ngăn chặn các nước này mua dầu từ Iran.