Đây là một hoạt động thiết thực với người lao động cũng như quảng bá được những sản phẩm thương hiệu mạnh của việt Nam đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại khó khăn, bất cập khiến doanh nghiệp chưa thực sự muốn tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Lợi ích "kép"
Với hàng triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và còn chưa kể đến cư dân sống ở quanh khu vực này, đây là nơi có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Chị Nguyễn Thị Na, công nhân ở khu công nghiệp Thạch Thất (huyện Thạch Thất) hồ hởi chia sẻ: “Trước đây, tôi thường mua hàng hóa nước ngoài vì cho rằng hàng ngoại tốt hơn hàng nội. Nhưng từ khi đi các phiên chợ hàng Việt mới nhận thấy sản phẩm Việt Nam đa dạng mẫu mã, chất lượng cũng không kém gì hàng nhập khẩu và quan trọng hơn cả là giá bán hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên luôn ưu tiên mua hàng Việt Nam.”
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã lồng ghép các hoạt động đưa hàng hóa về khu công nghiệp, khu chế xuất vào chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng Việt chất lượng tốt, giá hợp lý đến với người lao động, đặc biệt là công nhân có thu nhập thấp. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Trong giai đoạn 2009 - 2019, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán, 29 tuần hàng Việt, 254 phiên chợ Việt và khoảng 3.200 chuyến bán hàng lưu động. Đồng thời, cung ứng hàng hóa vào bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Sơn Tây, Phúc Thọ... bằng nhiều hình thức phù hợp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, công nhân.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (VRA) Vũ Thị Hậu cho rằng, việc tổ chức các phiên chợ Việt tại các vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ quảng bá thương hiệu, khai thác thị trường nông thôn rộng lớn - một thị trường bán lẻ mà doanh nghiệp nước ngoài chưa "chạm tới".
Chương trình này đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có cơ hội giao lưu, trao đổi, tương tác nhiều hơn. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ sở nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng tại mỗi địa phương. Từ đó doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường nông thôn. Đồng thời, hoạt động này còn giúp người tiêu dùng chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Hiệu quả từ chương trình là không thể phủ nhận, tuy nhiên theo chuyên gia bán lẻ ông Vũ Vinh Phú, những chuyến hàng Việt Nam về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ, diễn ra trong một thời gian ngắn. Vì vậy, không ít địa phương coi việc doanh nghiệp tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ, cho nên chương trình mạnh ai nấy làm, không có chiều sâu. Mặt khác, các điểm bán hàng lưu động, hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng nên chưa thu hút được người mua như mong muốn.
Thực tế cho thấy, chưa có nhiều doanh nghiệp bán lẻ mặn mà với Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn mặc dù đây là dư địa lớn cho doanh nghiệp khai thác. Theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), nguyên nhân của việc các doanh nghiệp không mấy hứng thú với Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là hầu như không có lãi. Điều mà doanh nghiệp thu lại được sau chương trình chính là cảm tình của người tiêu dùng. Đây chính là một trong những lý do không nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào chương trình này.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sau khi triển khai các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt tại khu công nghiệp phản ánh, một số quận, huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp truyền thông về hàng Việt chỉ mang tính phong trào, làm chiếu lệ, nên tác động và sức lan tỏa chưa được như mong muốn.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để hàng Việt vào khu công nghiệp đạt hiệu quả cho cả doanh nghiệp, người lao động, đòi hỏi công đoàn cơ sở và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất cần đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp trong truyền thông cho chương trình này. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được mặt bằng cố định để bố trí bán hàng cũng như có cơ chế hỗ trợ về thuế, tiền thuê mặt bằng trong thời gian nhất định.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn rất mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể như kinh phí vận chuyển, tổ chức, tuyên truyền, quảng bá…, qua đó giúp doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam.
Đồng tình với kiến nghị này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch VRA cũng đề nghị, muốn thu hút doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn đòi hỏi Bộ Công Thương, chính quyền địa phương xây dựng một chiến lược phát triển dài hơi, đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với những đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, khoa học công nghệ, vay vốn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Từ đó, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất cấp thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tìm thị trường, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán lẻ ở khu vực ngoại thành; phối hợp với các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu công nghiệp tạo điều kiện bố trí, giới thiệu địa điểm phát triển mạng lưới bán lẻ cố định.
Sở Công Thương Hà Nội cũng tham mưu để thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi, duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng.