Nguyên nhân của quyết định trên được cho là do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng ở thời điểm hiện tại rất lớn, dự kiến lên đến 1.348 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,255 tỷ đồng/ha). Trong khi đó, theo đánh giá của một số nhà đầu tư, nông nghiệp là lĩnh vực đem lại lợi nhuận không cao, rủi ro về thị trường, thời tiết và đối tác rất lớn. Bên cạnh đó, vị trí quy hoạch của dự án có hệ thống giao thông kết nối còn hạn chế, đường vào khu sản xuất nhỏ hẹp, hạ tầng chưa thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa về các nơi tiêu thụ…
Dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú có quy mô 316,8 ha, thuộc xã Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng). Dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận ranh giới từ năm 2016 và năm 2019 được phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng, kêu gọi đầu tư.
Từ năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh làm đầu mối, chủ trì kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay dự án này vẫn chưa kêu gọi được tổ chức, cá nhân nào đến đầu tư.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, việc triển khai dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là một trong những khó khăn lớn nhất.
Qua khái toán của UBND huyện Đức Trọng, chi phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án thời điểm năm 2016 là 795,286 tỷ đồng. Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, chi phí này đã tăng lên rất cao là khoảng 1.348 tỷ đồng.
Nếu triển khai dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú sẽ ảnh hưởng đến khoảng 280 hộ dân với 1.400 nhân khẩu. Hầu hết người dân tại đây làm nông nghiệp lâu năm, nhiều hộ dân đang đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nguồn thu nhập ổn định, tâm lý người dân cũng không muốn di chuyển chỗ ở, chuyển đổi vị trí đất canh tác…