Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, Chương trình OCOP được xác định là giải pháp để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, UBND thành phố Hải Phòng xác định, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm Chương trình OCOP, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý sản phẩm OCOP, đồng thời tiêu chuẩn hóa nguyên liệu và quy trình sản xuất. Thành phố còn hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm tại các vùng nuôi trồng, sản xuất sản phẩm OCOP.
Mục tiêu cụ thể Hải Phòng đề ra phấn đấu có ít nhất 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp thành phố, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 5 sao. Xác định từ 10 đến 20 sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế để tham gia các chuỗi giá trị tại các địa phương từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển và thương mại hóa các sản phẩm truyền thống.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, hiện thành phố có 60 sản phẩm của 32 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp thành phố với 1 sản phẩm 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao. Các đơn vị tham gia đều đánh giá cao hiệu quả của chương trình.
Anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Tùng Hằng, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy cho biết, gia đình anh là hộ đầu tiên nuôi ong tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy từ những năm 2000. Tận dụng điều kiện tự nhiên của khu vực Kiến Thụy, Đồ Sơn là vùng trồng rừng ngập mặn và trồng táo, rất thuận lợi cho phát triển đàn ong, thu mật chất lượng anh Tùng nhân giống từ 2 đàn ong thành 200 đàn. Ngoài mở rộng quy mô sản xuất của gia đình, anh còn xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi ong chuẩn và chia sẻ với những hộ dân quan tâm.
Hiện xã Đại Hợp có khoảng 30 hộ nuôi ong với khoảng 600 đàn, trong đó có 7 hộ là thành viên của Hợp tác xã Mật ong Tùng Hằng. Khi chưa vào hợp tác xã, các hộ bán mật ong theo hình thức tự phát, nhãn mác không thống nhất và rất khó để phân biệt mật ong của hợp tác xã với các loại mật ong khác trên thị trường.
Từ khi tham gia hợp tác xã và phấn đấu đạt chuẩn OCOP, các thành viên của Hợp tác xã mật ong Tùng Hằng được hỗ trợ tem mác, trang thiết bị sản xuất, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Giữa năm 2020, sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Tùng Hằng đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP. Từ sự công nhận này, giá trị mật ong của Hợp tác xã đã tăng từ 100.000- 150.000 đồng/lít, mang đến thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Cũng là sản phẩm đạt chuẩn OCOP, táo Bàng La là thương hiệu nổi trội của Hải Phòng trên thị trường. Hiện có khoảng 1.000 hộ trên địa bàn phường Bàng La trồng táo.
Anh Hoàng Văn Cò, tổ dân phố Biên Hòa, phường Bàng La cho biết, giá táo khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP chỉ đạt từ 10.000- 15.000 đồng/kg. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc, giá táo Bàng La trung bình đạt từ 20.000- 30.000 đồng kg.
Thời gian tới, thành phố Hải Phòng dự kiến xây dựng một số điểm bán hàng OCOP tại các quận, huyện và tổ chức các hội chợ, sự kiện quản bá, trưng bày sản phẩm OCOP này tại địa phương.