Đức có dấu hiệu 'nhiễm' khủng hoảng nợ Eurozone

Kinh tế Đức dường như "miễn nhiễm" trước cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, nhờ các cuộc cải cách sâu rộng trong những năm qua đã giúp nền kinh tế này trụ vững trước những cơn "bão tài chính" đang hoành hành tại "lục địa già". Tuy nhiên, một loạt số liệu kinh tế công bố gần đây cho thấy ngay cả nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng dần không kháng cự lại nổi "cơn sốt" khủng hoảng nợ và có thể rơi vào suy thoái cuối năm nay.


Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống pháp Francois Hollande cam kết sẽ "làm tất cả để bảo vệ khu vực đồng tiền chung châu Âu". Tuyên bố này được đưa ra tại Berlin (Đức) sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo ngày 27/7. Trong ảnh (tư liệu): Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris (Pháp) ngày 27/6/2012. Ảnh: AFP/TTXVN



Đức là nền kinh tế "mở" nên tuyến đường "lây nhiễm" không nghi ngờ chính là xuất khẩu. Đức hiện là nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, và cho tới gần đây xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế này.


Dẫu vậy, việc thực hiện các cuộc cải cách sâu rộng và quyết liệt trong những năm gần đây đã giúp đưa tỷ lệ thất nghiệp ở Đức xuống các mức thấp kỷ lục và đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, nhờ đó nhu cầu trong nước đã trở thành động cơ đôi mang lại sự màu nhiệm cho kinh tế Đức. Trong khi các nước thành viên khác trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang trong cơn suy thoái, thì kinh tế Đức vẫn tăng trưởng 0,5% trong ba tháng đầu tiên của năm 2012. Tuy nhiên, khi nhiều kinh tế châu Âu bị "lây nhiễm sốt" nói trên, xuất khẩu của Đức đang chững lại, đưa toàn bộ nền kinh tế này gần như dậm chân tại chỗ trong quý II/2012. Trong những tuần trở lại đây, những đám mây đen của "bão tài chính" bao phủ bầu trời kinh tế Đức ngày càng nhiều, tác động không chỉ tới xuất khẩu mà còn cả nhu cầu trong nước.


Theo thống kê mới nhất của văn phòng thống kê quốc gia Đức Destatis, sau khi tăng 4,1% trong tháng 5/2012, xuất khẩu của nước này đã giảm 1,5% trong tháng 6/2012, chủ yếu do xuất khẩu sang 16 nước Eurozone giảm sút. Nhập khẩu - một thước đo nhu cầu trong nước - cũng giảm 2,9%. Sự sụt giảm về nhu cầu đang tác động xấu tới ngành công nghiệp và lĩnh vực chế tạo - xương sống của kinh tế Đức. Cụ thể, số đơn đặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp trong tháng 6/2012 giảm 1,7% - mạnh hơn dự báo - và sản lượng công nghiệp giảm 0,9%.


Lượng xe ô tô mới đăng ký - chỉ số chủ chốt dự báo nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp - giảm mạnh trong tháng 7/2012, trong khi doanh số bán lẻ giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu tiêu dùng. Trong tháng 7/2012, lòng tin kinh doanh giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, trong khi lòng tin tiêu dùng chạm mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây.


Nhà kinh tế Ulrike Rondorf thuộc ngân hàng Commerzbank nhận định chỉ có sự hồi phục của lĩnh vực xây dựng và dịch vụ mới có thể giúp GDP của nước này tiếp tục tăng trưởng, ở mức khoảng 0,25%. Bà Rondorf dự báo với triển vọng lĩnh vực công nghiệp khá ảm đạm, kinh tế Đức có thể suy giảm trong quý III/2012.


Lĩnh vực chế tạo có thể sẽ không đóng góp gì cho tăng trưởng của kinh tế Đức trong quý thứ ba liên tiếp. Nhà kinh tế Catherine Stephan thuộc BNP Paribas còn cho rằng triển vọng của ngành chế tạo vẫn tiêu cực trong những tháng tới.



Như Mai (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN