Chờ mặt bằng để thi công
Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) - đơn vị quản lý điều hành dự án, tính đến hết tháng 9/2021, Đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Vũng Áng – Quảng Trạch - Dốc Sỏi bàn giao 1.1/1.177 vị trí móng. Đối với phần hành lang tuyến, các địa phương bàn giao 1.106/1.176 khoảng cột, 272/310 khoảng néo; trong đó, cả 7 địa phương có đường dây đi qua đều chưa hoàn thành mặt bằng cho chủ đầu tư.
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương còn tồn tại nhiều vướng mắc nhất trong bàn giao mặt bằng nhất với 7 vị trí cột và 6 khoảng néo chưa bàn giao. Phần lớn các hộ dân tại thị xã Kỳ Anh xây dựng công trình, nhà cửa trên phần đất không có giấy tờ pháp lý đất đai và tự ý tách thửa đất để xây nhà ở nhưng không có giấy tờ hợp pháp; các hộ dân đề nghị được bồi thường đất và toàn bộ công trình bị ảnh hưởng kể cả đất nông nghiệp nằm trong hành lang tuyến đường dây.
Đứng thứ 2 là tỉnh Quảng Nam còn 2 ví trí móng chưa bàn giao mặt bằng thuộc huyện Nông Sơn và Tiên Phước do hộ dân không chấp nhận đơn giá bồi thường, địa phương vận động làm việc nhiều lần nhưng chưa có kết quả. Phần hành lang tuyến, còn 16/57 khoảng néo chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng để kéo dây; trong đó có 29 nhà chưa lập phương án bồi thường và xét tái định cư để di dời ra khỏi hành lang. Nhiều hộ dân đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng không đồng ý đơn giá bồi thường hỗ trợ theo quy định.
Tỉnh Quảng Bình còn tồn tại 6 khoảng néo tại huyện Quảng Trạch, do các hộ dân không thống nhất đơn giá bồi thường nhà, đất theo quyết định phê duyệt. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục tổ chức các đoàn công tác để giải quyết các vướng mắc và tổ chức bảo vệ thi công.
Các địa phương khác như tỉnh Quảng Trị, còn 3 khoảng néo, tỉnh Thừa Thiên Huế còn 1 khoảng néo, thành phố Đà Nẵng còn 5 khoảng néo, Quảng Ngãi còn 1 khoảng néo do hộ dân chưa thống nhất đơn giá bồi thường.
Trong thi công, các nhà thầu đã triển khai quân đồng loạt trên toàn tuyến. đến hết tháng 9, các đơn vị đã đào móng được 1.154 vị trí (đạt 98,05% kế hoạch); Dựng cột 1.095/1.177 vị trí (đạt 93,12% kế hoạch). Việc mua sắm vật tư thiêt bị đã được các đối tác bàn giao toàn bộ hàng hóa.
Cam kết hoàn thành mặt bằng trong tháng 10/2021
Trước vướng mắc trên, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đặng Hoàng An, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã có cuộc họp trực tuyến với các địa phương còn vướng mắc mặt bằng đường dây 500 kV mạch 3.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, đây là dự án cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc – Nam. Chính vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các địa phương hoàn thành các thủ tục (kể cả chuẩn bị các phương án cưỡng chế/bảo vệ thi công) để bàn giao mặt bằng các vị trí móng còn lại trước ngày 15/10/2021, hành lang tuyến trước ngày 30/10/2021 và yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thi công hoàn thành dự án trước ngày 30/11/2021. Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cũng đều cam kết trong tháng 10 sẽ hoàn thành toàn bộ mặt bằng dự án để chủ đầu tư triển khai thi công.
Để đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia/CPMB yêu cầu các nhà thầu tập trung nguồn lực để triển khai thi công ngay đối với những vị trí, khoảng néo đã được bàn giao mặt bằng, hoàn thành trước ngày 30/10/2021, tránh tình trạng phát sinh khiếu kiện, tái lấn chiếm nhằm sớm đưa các dự án vào vận hành theo kế hoạch.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng yêu cầu các nhà thầu huy động tối đa nguồn lực, đảm bảo thi công các vị trí móng, dựng cột và kéo dây các khoảng néo còn lại, kể cả thi công trong điều kiện phải tổ chức cưỡng chế hoặc bảo vệ thi công, đảm bảo hoàn thành dự án toàn bộ dự án trước ngày 30/11/2021; chủ động làm việc với các tổ chức, cá nhân để thỏa thuận đường tạm thi công, bãi tập kết vật tư, vật liệu,… phục vụ thi công nhanh nhất có thể; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động và tuân thủ đúng quy định của địa phương tại địa điểm thi công.