Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, từ khi có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), định kỳ hàng quý Ban chỉ đạo cấp EVN họp để kiểm điểm và đôn đốc, chỉ đạo triển khai; Ban chỉ đạo cấp Tổng công ty hàng tháng họp 1 lần. Riêng CPMB họp giao ban hàng tuần.
Song song với đó, CPMB đãthành lập Ban điều hành công trường đường dây 500kV từ Vũng Áng đến Pleiku 2 để chỉ huy điều hành trực tiếp công trình do Giám đốc làm Trưởng Ban, các Phó Giám đốc và các Trưởng phòng đều tham gia Ban điều hành. Đồng thời thành lập 8 Ban chỉ đạo tiền phương ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đổ vào. Mỗi Ban chỉ đạo tiền phương bao gồm Trưởng, Phó phòng, các cán bộ kỹ thuật, đền bù, vật tư, thường trực để phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc tại hiện trường.
Các nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát, Tư vấn thiết kế đều thành lập Ban chỉ đạo/Tổ công tác song song với Ban chỉ đạo tiền phương của CPMB để điều hành tiến độ tại công trường. “Với 26 gói thầu xây lắp, mỗi gói thầu thi công khoảng 30 km đường dây, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đều phải đồng hành với các Ban chỉ đạo tiền phương để đảm bảo được tiến độ chung”, ông Tuyển cho hay.
Với vai trò là Tư vấn giám sát Đường dây 500kV mạch 3, Công ty Truyền tải điện 2 đã thành lập Ban chỉ đạo công tác tư vấn giám sát; đồng thời thành lập các Tổ tư vấn giám sát tại Công ty và các Truyền tải điện: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng. Quảng Ngãi, Quảng Nam. Ngoài lực lựợng cán bộ tư vấn giám sát này, để đảm bảo giám sát chặt chẽ toàn bộ công tác thi công xây lắp, tạo điều kiện thuận lợi chuyển bước thi công, cũng như khi có yêu cầu về tiến độ công trình, Công ty có thể tăng lực lượng cán bộ kỹ thuật, cán bộ giám sát trực tiếp hỗ trợ giám sát tại hiện trường thi công.
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết, trong quá trình thực hiện, tùy thuộc vào tình hình thi công cụ thể của công trình, Công ty sẽ điều động lực lượng giám sát giữa các cung đoạn đường dây hoặc giữa các công trình với nhau nhằm đáp ứng tiến độ công việc chung theo hợp đồng đã ký kết.
Mới đây, EVN đã tổ chức đoàn công tác do Chủ tịch HĐTV EVN làm Trưởng đoàn đến làm việc với 8 tỉnh và 1 thành phố có dự án đi qua để đề nghị địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho Chủ đầu tư trong lập hồ sơ đo đạc giải thửa và bồi thường giải phóng mặt bằng, đáp ứng mục tiêu tiến độ dự án.
Đặc biệt tại lễ khởi công đường dây 500kV mạch 3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các địa phương về bồi thường giải phóng mặt bằng và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai dự án. Trong từng thời điểm nhất định có vướng mắc, các địa phương kịp thời tháo gỡ để hỗ trợ EVNNPT, đồng thời Chính phủ có công điện với các địa phương để giải quyết các điểm nóng.
Hiện CPMB đã trình phê duyệt Tổng tiến độ để tổ chức quản lý điều hành, đảm bảo hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ được duyệt. Đồng thời thực hiện nghiêm túc theo các quy định về quản lý chất lượng theo Quy định của Nhà nước, EVN và EVNNPT. Tập trung nâng cao quản lý chất lượng trong thi công công trình cũng như đối với từng lĩnh vực cụ thể như: chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị của các dự án.
CPMB cho biết, cùng với việc tăng cường quản lý hợp đồng với các nhà thầu, kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án, CPMB còn yêu cầu các nhà thầu tham gia dự án phải tuân thủ nghiêm công tác quản lý chất lượng, các cam kết trong hợp đồng, các quy định về quản lý chất lượng; tăng cường lực lượng chỉ đạo và giám sát kỹ thuật tại công trường; thực hiện nghiêm nghiệm thu nội bộ trước khi tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu.
Giám đốc CPMB luôn theo dõi sát tiến độ, đi kiểm tra công trường và giải quyết kịp thời các vướng mắc với các đơn vị liên quan; trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường.
Mặt khác, lãnh đạo CPMB, Ban điều hành và các Ban Tiền phương chịu trách nhiệm điều hành chi tiết thi công, thường trực trên công trình để kịp thời phối hợp với các đơn vị và địa phương giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu; khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương để bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu xây lắp.
Để tổ chức tốt hoạt động của các Ban Tiền phương, CPMB đã yêu cầu các đơn vị thi công lập tiến độ thi công chi tiết các hạng mục công việc theo ngày; trong đó có cả bố trí nhân lực, dụng cụ, thiết bị thi công…. Trên cơ sở đó, Ban Tiền phương kiểm điểm tiến độ hàng ngày với các đơn vị thi công, thống nhất các giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong ngày hôm sau liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, cung cấp và xử lý tồn tại về vật tư thiết bị, thi công, nhân sự, dụng cụ thi công….
Đối với các vướng mắc ngoài tầm xử lý, CPMB kịp thời báo cáo với cấp trên để có chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo tiến độ được kiểm soát.
Đối với các đơn vị thi công xây lắp trên tuyến, năng lực và kinh nghiệm thi công có sự chênh lệch, trong một số trường hợp cụ thể và giai đoạn nước rút, CPMB cho rằng cần có sự phối hợp vì mục tiêu chung để công trình về đích cùng một thời điểm, nhất là sự hỗ trợ qua lại giữa các đơn vị xây lắp, của các Công ty truyền tải điện và sự phối hợp nghiệm thu trên toàn tuyến. Sau khi đơn vị thi công xong thì việc nghiệm thu cũng được hoàn thành.
CPMB cũng yêu cầu các Nhà thầu tư vấn giám sát bố trí đủ quân số để giám sát và nghiệm thu chuyển bước thi công, đảm bảo tiến độ thi công của các nhà thầu xây lắp. Triển khai nghiệm thu ngay các hạng mục khi đã hoàn thành, để rút ngắn tiến độ nghiệm thu hoàn thành bàn giao đóng điện. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra tiến độ thi công các nhà thầu theo cam kết, kịp thời báo cáo CPMB để phối hợp chỉ đạo giám sát chất lượng công trình.
Các Nhà thầu tư vấn thiết kế cũng cử cán bộ giám sát tác giả có mặt thường xuyên tại hiện trường để xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo tiến độ thi công của nhà thầu. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị đúng với tiến độ trong hợp đồng đã ký kết; Kịp thời đề xuất phương án xử lý trong trường hợp chậm tiến độ cung cấp.
Đôi với các Nhà thầu xây lắp, theo ông Nguyễn Đức Tuyển, cần bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện máy móc thiết bị thi công trên công trường (tranh thủ thi công cả trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán), tranh thủ thời tiết thi công. Đồng thời chủ động phối hợp cùng CPMB, chính quyền địa phương các cấp trong bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, kịp thời phản ánh những vướng mắc khó khăn để các bên cùng tham gia tháo gỡ. Bên cạnh đó tổ chức thi công theo hình thức cuốn chiếu, với mục tiêu nghiệm thu đóng điện trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 6/2020.
Một giải pháp không kém phần quan trọng, theo CPMB là chọn thời điểm thích hợp đề xuất tổ chức các đợt phát động thi đua liên kết (dự kiến vào tháng 6 năm nay) để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, tiến độ khối lượng của từng đợt và tổ chức khen thưởng động viên kịp thời. Đặc biệt là tổ chức tuyên truyền vận động trước, trong và sau đợt phát động thi đua để nhân dân hiểu và ủng hộ dự án, công nhân các đơn vị thi công cũng hiểu và biết được tầm quan trọng khi đưa được dự án vào vận hành sớm. Chứ không phải như trước đây vướng đến đâu mới tuyên truyền vận động và tháo gỡ đến đấy.
Để đảm bảo tiến độ thi công các dự án thuộc công trình đường dây 500kV mạch 3, CPMB cũng kiến nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực xem xét báo cáo Chính phủ các nội dung liên quan đến các đoạn tuyến điều chỉnh như có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm có ý kiến thống nhất hướng tuyến để triển khai các bước tiếp; Có ý kiến để Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thống nhất chủ trương ủy quyền cho EVNNPT thẩm định, phê duyệt hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự toán các đoạn tuyến hiệu chỉnh của dự án.
Với tầm quan trọng của công trình, UBND các tỉnh/thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tiến độ giải phóng mặt bằng; Chỉ đạo UBND cấp quận/huyện, xã/phường quan tâm phối hợp, hỗ trợ Chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng và thi công dự án. UBND các tỉnh/thành phố kịp thời chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm trong quản lý đất đai tại địa phương, tránh trường hợp dân tự ý xây dựng trong mặt bằng trạm biến áp, tuyến đường dây được UBND tỉnh/thành phố chấp thuận địa điểm, hướng tuyến gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng và làm thất thoát ngân sách nhà nước, đồng thời làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải phóng mặt bằng.