Chỉ còn khoảng 18 tháng nữa, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sẽ phải đưa vào vận hành thử, nhưng đến nay dự án vẫn “ì ạch” thi công, vì không có mặt bằng sạch.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT), đến cuối tháng 7/2014, hầu hết các địa phương có tuyến đường sắt đi qua vẫn còn vướng mặt bằng, chưa giao cho dự án thi công. Nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là do nhà đầu tư chưa có vốn để chi trả đền bù cho các hộ dân. Dự kiến trong tháng 8 mới giải phóng được toàn bộ các hộ và di dời hạ tầng kỹ thuật. Như vậy, nếu trong tháng 8, công tác GPMB có hoàn tất thì cũng đã chậm tiến độ ít nhất 5 tháng so với yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trong chuyến thị sát dự án hồi tháng 5 vừa qua.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường kiểm tra tiến độ thi công ga Láng, đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Việt Hùng - TTXVN |
Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: Tiến độ đúc dầm của dự án cũng đang rất chậm, bình quân nhà thầu chỉ thi công được hai dầm/ngày so với ba dầm/ngày trước đây. Đến cuối tháng 7/2014, dự án mới đúc được 200/800 dầm, lao lắp được 140 dầm. Lý giải điều này, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng là do tổng thầu dự án Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc chưa chuyển vốn và nguyên vật liệu kịp thời tới công trường, trong khi đơn vị thi công dầm là Tổng Công ty xây dựng Thăng Long mặc dù dã bố trí đủ nhân công, nhưng không có việc làm.
Trước nguy cơ tiếp tục vỡ tiến độ, kiểm tra hiện trường dự án ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng thầu và Tổng Công ty xây dựng Thăng Long phải đề ra tiến độ cụ thể, cung cấp đủ nguyên vật liệu và nhân lực phục vụ thi công, đến cuối tháng 3/2015 phải đúc xong toàn bộ 600 dầm còn lại để lao lắp dầm và thực hiện các phần việc khác. Ban Quản lý dự án phải đảm bảo đến cuối năm 2015 chạy thử tuyến đường, để đến năm 2016 phục vụ khai thác thương mại.
Tiến Hiếu