Đại diện Ratraco cho hay, đoàn tàu sẽ gồm 23 container 40 feet, chạy từ Đà Nẵng đến Đông Anh (Hà Nội) bằng đường sắt khổ 1.000 mm, sau đó chuyển toàn bộ container sang toa khổ 1.435 mm. Tàu sẽ tiếp tục chạy đến ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng, làm thủ tục thông quan sang đường sắt Trung Quốc, đến ga Trịnh Châu và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích. Đoàn tàu sẽ chuyên chở hàng nội thất của hãng IKEA xuất châu Âu. Hàng sẽ được trả tại nhiều thành phố như Liege (Bỉ), Hamburg (Đức), Melzo (Italy)...
"Hãng IKEA là một trong những khách hàng có khối lượng hàng từ Việt Nam đi châu Âu bằng đường sắt lớn nhất. Hiện họ đã xuất hàng bằng đường sắt được khoảng 900 FEU (tương đương 1.800 TEU). Từ trước đến nay, hàng được gom tại các điểm về Hà Nội bằng đường sắt hoặc đường bộ để lập tàu liên vận quốc tế. Tuy nhiên, từ tháng 3 này, đường sắt mở 3 điểm gom hàng lớn. Tại miền Bắc là Hà Nội, tại miền Trung là Đà Nẵng và tại miền Nam là Trảng Bom (Đồng Nai), từ các điểm này lập các đoàn tàu chuyên container liên vận quốc tế chạy thẳng. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí logistics cho khách hàng", đại diện Ratraco thông tin.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chia sẻ, ngành đường sắt lần đầu tiên tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container sang châu Âu (Bỉ) vào tháng 7/2021. Trước đó, đường sắt vẫn chạy tàu hàng liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa sang châu Âu nhưng bằng hình thức gom container về các ga tập kết tại Trung Quốc và nối vào các đoàn tàu Trung Quốc đi tiếp đến điểm trả hàng, chưa theo hình thức nguyên đoàn container.
Sau chuyến tàu khai trương đi Bỉ, ngành đường sắt duy trì hàng tuần khoảng 3 đoàn tàu chuyên container xuất phát tại ga Yên Viên đi châu Âu. Đến nay, hình thức tàu liên vận quốc tế này ngày càng phát triển, được nhiều khách hàng lựa chọn.
Cụ thể, ngành đường sắt đã vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước như: Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức… Các mặt hàng gồm hàng điện tử, hàng dệt may, giầy da, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây.
Ngoài ra, đường sắt Việt Nam nhận vận chuyển hàng từ Thái Lan, Campuchia… đi bằng đường bộ sang Việt Nam, sau đó vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đi các nước.
Nếu chỉ tính thời gian vận chuyển, tàu xuất phát tại ga Yên Viên, sẽ đến ga Almaty (Kazakhstan) sau 12-14 ngày, đến ga Moscow (Nga) sau 23-25 ngày, đến ga Duisburg (Đức) sau 25-26 ngày.
Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, hoạt động vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt trong hai tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt. Riêng tháng 1/2022, tổng số toa xe xuất nhập khẩu qua 2 ga Đồng Đăng và Lào Cai đạt trên 6.000 toa xe.
Trong năm 2021 mặc dù vận tải đường sắt chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nhưng hàng liên vận quốc tế; trong đó có hàng đi châu Âu tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, vận tải liên vận quốc tế năm 2021 đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với năm trước; trong đó hàng hóa qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) tăng tới 82%. Đặc biệt, trong quý IV/2021, hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường sắt tăng mạnh so với cùng kỳ, riêng ga Đồng Đăng tăng 117% lượt toa xe qua lại. Hàng hóa đi bằng đường sắt qua các cửa khẩu chủ yếu là quặng, lưu huỳnh, DAP, hóa chất, hàng điện tử, dệt may, linh phụ kiện, hàng tiêu dùng…
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định, đường sắt xác định trọng tâm trong thời gian tới là chuyển dịch sang vận chuyển hàng hóa để bù đắp cho sự sụt giảm của vận tải hành khách; trong đó đẩy mạnh việc vận chuyển liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và đi đến nước thứ 3 như châu Âu, Nga, Trung Á, Mông Cổ…
"Trong năm 2021, VNR đã tổ chức được các đoàn tàu đi thẳng từ Việt Nam sang châu Âu (Bỉ) với sản lượng vận chuyển container liên vận quốc tế tăng hơn 100% so với năm trước, đồng thời mở thêm được các đoàn tàu chuyên tuyến container đến các thành phố của Trung Quốc", ông Vũ Anh Minh thông tin.
Để giúp vận tải liên vận quốc tế tiếp tục có sự tăng trưởng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia, ông Vũ Anh Minh đề xuất, về ngắn hạn dừng không tổ chức xếp dỡ hàng hóa tại ga Đồng Đăng để dành đường đón tiễn các đoàn tàu liên vận quốc tế. Bên cạnh đó khẩn trương chuẩn bị hạ tầng, tăng năng lực xếp dỡ các bãi hàng tại các ga như Kép, Đồng Đăng, Yên Viên để nâng năng lực chưa hàng hóa, container nhằm giải tỏa ách tắc cho các ga Đồng Đăng, Lào Cai.
"Cùng với đó bố trí sức kéo để vận dụng hiệu quả việc luân chuyển hàng hóa tại ga nội địa đến các ga Đồng Đăng, Lào Cai và ngược lại; bố trí thêm nhân lực phục vụ cho vận tải liên vận như phiên dịch, chạy tàu. Đặc biệt, Tổng công ty kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ để làm việc với phía Trung Quốc cho phép hoạt động kiểm dịch tại ga Bằng Tường để tiếp nhận hàng hóa nông sản, hoa quả từ Việt Nam sang bằng đường sắt; đề xuất với đường sắt Trung Quốc đơn giản hóa các thủ tục về hóa vận để rút ngắn thời gian tác nghiệp", ông Vũ Anh Minh cho hay.
Về giải pháp dài hạn, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR kiến nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương bố trí nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp và mở rộng bãi hàng, đường ga, kho ga tại các nhà ga, đặc biệt ưu tiên ga Đồng Đăng. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào Nghị đinh thư đường sắt Việt Nam - Trung Quốc nội dung cho phép đầu máy đường sắt Trung Quốc đi sâu vào nội địa Việt Nam (hiện toa xe đường sắt Trung Quốc chỉ vào được đến Hà Nội, Hải Phòng còn đầu máy đường sắt Trung Quốc dừng tại ga biên giới).
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải sớm bổ sung các ga liên vận quốc tế tại khu vực miền Trung và phía Nam để hàng hóa nhập khẩu đi bằng đường sắt được làm thủ tục hải quan sâu trong nội địa, góp phần giảm ách tắc tại các ga biên giới…