Theo Forbes, tình hình kinh tế của Argentina sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro bất chấp gói tín dụng hơn 50 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay để ổn định thị trường do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó đáng chú ý nhất là làn sóng thoái vốn khỏi thị trường cũng như mức nợ công.
Thống kê của cơ quan Liên bang Quản lý thu nhập công Argentina (AFIP) cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2017 đã có 3.198 công ty phải đóng cửa hay các tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola, Carrefour và Avianca đã phải yêu cầu nhà nước Argentina cho tiến hành quy trình "phòng chống khủng hoảng", một biện pháp pháp lý mà các công ty sử dụng để thông báo cho Bộ Lao động và Sản xuất Argentina về khả năng ít nhất là họ sẽ phải thu nhỏ quy mô hoạt động, trong đó sẽ có việc sa thải người lao động.
Cùng với đó, nền kinh tế Argentina cũng phải đối mặt với những rủi ro về mức nợ công, theo đó từ năm 2017 tới quý II/2018, nợ công của nước này đã tăng 20 điểm phần trăm, lên 77,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đánh giá về những nhận định trên của Forbes, cựu Thứ trưởng Bộ Kinh tế Argentina Emmanuel Agis cho rằng, giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay có những yếu tố khác so với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của quốc gia Nam Mỹ này xảy ra hồi năm 2001. Theo ông Agis, cuộc khủng hoảng hiện nay được "gói gọn trong nền kinh tế thực" với dự báo cho 2019 là năm thứ hai liên tiếp suy giảm hoạt động kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng hai con số và tỷ lệ đói nghèo cũng tăng đáng kể.
Ông Agis khẳng định, những khó khăn hiện nay của nền kinh tế Argentina ảnh hưởng lớn nhất tới lĩnh vực sản xuất trong nước do sự suy giảm mạnh của sức tiêu thụ nội địa, chính sách nhập khẩu mở cửa quá mức trong một thế giới ngày càng ưu tiên các biện pháp bảo hộ. Một yếu tố khác tác động tới sản xuất là việc chính phủ loại bỏ các khoản hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng khiến cho các loại chi phí tăng cao, đặc biệt là sau thời gian đồng peso mất giá mạnh.
Cựu Thứ trưởng kinh tế Argentina cho rằng, trong bối cảnh lĩnh vực công nghiệp giảm 10%, xây dựng giảm 20% và bán lẻ cũng giảm tới 15%, đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô mà còn là sự hủy diệt đối với sản xuất trong nước, dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế của Argentina trong năm 2018 đã giảm 2,6%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 và tỷ lệ lạm phát tăng lên mức kỷ lục 47%.